TIỆM CÀ PHÊ 30/4
Phía cỗng sau, trong
khuôn viên Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ)
Câu nói “thấm thía” trên
là câu slogan trong các biển hiệu được đặt trang trọng nhiều chỗ công cộng ở
Singapore, nơi ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của
Singapore) đã từng mơ ước năm 1960: “Hy vọng là một lúc nào
đó Singapore sẽ phát triển được như Sài Gòn.” Và sau 56 năm, câu “cuộc đời không như là mơ” đã ứng nghiệm với lời ông cũng như bao
con người khác từng cảm thán khi… cuộc đời không như là mơ !
Sự phát triển của
Singapore đến thời điểm đó chưa bao giờ có thể so sánh được với Sài Gòn. Làm
sao bằng được khi so một Hòn Ngọc Viễn Ðông với một đất nước nghèo khó, bé nhỏ
vừa thành lập? Bây giờ thì càng không thể so sánh một Con Rồng Châu Á,
thu hút vốn đầu tư, nhân tài bậc nhất với một thành phố vừa mất tên vừa bị mất
vô số thứ khác, trong đó có cả người tài và lòng tin.
Cách đây hai năm,
khi tận mắt nhìn những hàng cây cổ thụ ở khu trung tâm Sài Gòn bị xẻ thịt,
những dòng người hối hả tràn vào Thương Xá Tax ngày thanh lý cuối cùng trước
khi tòa nhà lộng lẫy này bị đóng cửa, những tiểu thương và những thị dân ngậm
ngùi lau nước mắt, những tấm hình share khắp nơi trên mạng xã hội, đa phần kèm
theo đó là sự phẫn nộ, bất lực khi nhìn một phần ký ức, một phần cuộc sống bị
xóa nhòa dần mà không làm gì được. Tôi đã tấm tức khóc và “hận cả
thế giới” suốt nhiều ngày liền. (Trong cái rủi có cái may, sau lần đó trình độ thơ văn của dân Sài Gòn
cũng cải thiện rõ rệt). Thế nhưng vừa rồi, cách đây vài tuần thôi, khi
hàng chục, trăm cây cổ thụ ở con đường đẹp nhất nhì Sài Gòn-đường Tôn Ðức
Thắng-bị chặt bỏ và dời đi. Tôi chả thèm đến ngó, không có một tia cảm xúc “thương vay khóc mướn” như vô số lần mình đã trải. Khi đọc những
dòng tin về sự kiện này thì giật mình nhìn lại và hiểu ra, lòng tin của bản
thân đã mất. Không phải lòng tin với bất cứ ai mà là lòng tin đối với chính
mình. Tôi không tin tôi sẽ có thể buồn mãi được, vì mỗi ngày Sài Gòn đều bị
mang ra cắt xén để chánh thức trở thành một thành phố Hồ Chí Minh thật sự trong
mắt những người coi đó là sứ mệnh. Rồi cũng có khi ngồi một mình tự hỏi điều đó
đủ gọi là bi kịch hay chưa? Khi chính nơi tôi sinh ra và lớn lên không hề an
bình như đã được dạy và học. Miền Trung biển chết, Miền Tây ruộng chết, Cao
Nguyên rừng chết, Ðồng Bằng người chết. Ngay cả Sài Gòn, nơi được xem là an
toàn nhất cũng đang chết dần chết mòn… Cùng chung cơ thể, có lẽ nào tay chân
mắt mũi bị nạn hết mà khúc ruột vẫn an toàn?
Thị dân dù đắm chìm
trong dòng đời bon chen hối hả nhưng chưa bao giờ lơ là thời cuộc. Ai ai cũng
mang trong sâu thẳm một chữ buồn. Rồi chẳng biết làm gì hơn mà đi khắp nơi, tìm
cho mình một chỗ trú an toàn, có thể ngồi đó mà ôn lại một Sài Gòn mà họ chưa
từng thấy, kể cho nhau nghe chuyện “người Sài Gòn” như là…
thần thoại dưới những tàn cây xưa cũ. Chỗ đó là Dinh Ðộc Lập.
Dinh Ðộc Lập, ngày
nay còn gọi là dinh Thống Nhất hay hội trường Thống Nhất được Tổng thống Việt
Nam Cộng Hòa Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công vào ngày 1/7/1962 trên nền dinh
Norodom (dinh Thống đốc) do người Pháp xây dựng từ năm 1868.
Dinh còn gọi là Phủ Tổng thống đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 31/10/1966.
Ðây là một trong những công trình kiến trúc “sống lâu” nhất
Sài Gòn dẫu qua bao nhiêu dâu bể và thay đổi của thời cuộc. Nơi đây từng là
công thự đẹp nhất Á Ðông – chỗ ở của những người quyền lực nhất và cũng là nơi
chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, thị dân còn gọi là “Nhà Trắng
Việt Nam”.
Ngày nay, Dinh Ðộc
Lập được xem là một di tích lịch sử văn hoá và là nơi hội họp, tiếp khách của
các cấp lãnh đạo trung ương đương thời. Ở mặt sau Dinh Ðộc Lập còn có một quán
cà phê luôn đông khách cũng bị/được đặt cái tên rất lịch sử – Cà
phê 30/4 – thu hút tầng lớp trí thức, nhà báo, nhà văn, công an, bác sĩ
lẫn nhân viên văn phòng làm việc ở xung quanh khu vực trung tâm cũng xem đây là
chỗ để tiếp khách, họp mặt. Còn sinh viên học sinh thì xem đây là nơi lý tưởng
đến chụp “kỷ yếu”, lưu giữ ký ức một thời áo trắng. Vì ngoài “lợi thế lịch sử”, nơi đây còn có không gian thoáng đãng, có thể
đậu nhiều xe hơi lẫn xe máy, có chỗ vui chơi dành riêng cho trẻ em. Ngoài ra ở
đây còn có một hệ thực vật vô cùng đa dạng.
Khuôn viên, khách của quán cà phê 30/4 trong Dinh Độc Lập
“Quán cà phê này ba mẹ ngồi mong Bim lớn
trong bụng mẹ, khi nào con ra đời sẽ dẫn con đến chơi dưới những rặng cây cổ
thụ lớn, thảm cỏ xanh, yên tĩnh vắng tiếng xe ồn ào, thỉnh thoảng một vài trái
banh tennis đánh lạc ra ngoài khiến cho anh chàng mới biết đi thò tay lấy được
vô cùng thích thú…” Một người mẹ đã thì thầm với con mình trên…
mạng xã hội như vậy khi ngồi ở đây. Ðọc những dòng “tâm thư” ít
ỏi thôi mà tôi có thể tưởng tượng ra một chuyện tình dài… Bạn có muốn nghe
không?
Bãi đậu xe 2 bánh
Bên cạnh
những cây dầu cao trật cổ, những thảm cỏ xanh mát mắt là những chú bồ câu thân
thiện, những đội sóc nâu chuyền cành “mưu sinh” ngó trước dòm
sau đầy… cảnh giác. Suốt khoảng thời gian quán cà phê này mở cửa (7am
đến 6pm), khách hàng sẽ luôn chìm trong khoảng trời mát rượi bởi các tán
cổ thụ lung lay múa che hết nắng, bên tai ngoài những ồn ã chuyện trò còn có
tiếng ve kêu da diết hoặc những giọt mưa xuyên qua kẽ lá bay bay đến đâu mát
lòng mát dạ đến đó. Sài Gòn ngày càng “đất chật người đông”, bỏ
lại tất cả bực dọc với nắng nóng, kẹt xe, khói bụi và ồn ào, mệt mỏi, ai lại
không thèm một bầu không khí trong lành, ve kêu gió thổi, vừa gần gũi thiên
nhiên vừa lịch sự, an toàn để thưởng thức vị đắng, vị ngọt, vị thơm của ly café
bay bổng. Ngó từng giọt café rớt chầm chậm xuống đáy ly rồi ngó qua tòa nhà
sống cùng lịch sử, sau đó… google tìm kiếm những điều mình chưa bao giờ có.
Ngoài uống cà phê bạn có thể tận mắt nhìn thấy lịch sử ở ngay trước mặt. Chắc hẳn
sẽ không có ai không có ấn tượng và yêu thích khuôn viên xung quanh Dinh Ðộc
Lập, công trình kiến trúc lớn màu trắng được bao phủ bởi một màu xanh ngắt của
thảm cỏ nhìn như bất tận cùng những cây cảnh, cổ thụ, đài phun nước… tất cả hòa
quyện một cách sang trọng. Ðiều mà bạn sẽ khó thấy được ở bất cứ di tích lịch
sử nào ở Việt Nam. Tôi tự hỏi tại sao nơi ở các lãnh đạo Việt Nam bây giờ khi
lên báo đập vào mắt dân đa phần chỉ toàn gỗ quý, dát vàng, cũng đồ sộ đấy chứ,
nhưng không hề “mát mắt” chút nào, nó đè lên người nhìn một
cảm giác sợ hãi và trĩu nặng vô hình. Ðó có phải là cách phát triển của ngành
kiến trúc Việt Nam hay không ?
Dinh
Thống Nhất (Dinh Độc Lập) 2016
Thật tiếc, tôi không
phải là một người am hiểu về kiến trúc để có thể trả lời câu hỏi quá “chuyên môn” trên. Như cho dù thế nào, sau bao năm, Dinh Ðộc Lập
vẫn đứng đó làm “nhân chứng” cho một Sài Gòn của quá khứ, dâu
bể tang thương mà đẹp nao lòng trong trái tim của bao nhiêu là người Sài Gòn,
cũ lẫn mới.
Ai đó đã từng nói: “Người Sài Gòn không cần phải là người sanh ra, lớn lên ở mảnh đất
này. Muốn làm người Sài Gòn thì hãy sống như… người Sài Gòn là được!”
Ngoài những ấn tượng
trên, điều thu hút tôi đến đây (nhất) chính là món lẩu riêu
cá chép rất ngon miệng, vừa ăn. Cá chép rất tươi (và bự) cùng
nước dùng nấu rất vừa miệng, chua chua, ngọt thanh và beo béo vị cá khiến tôi
và cô bạn rất thân lần nào đến cũng… nhịn đói trước để có thể ăn hết một phần 3
người ăn có thể không hết. Một lần sau khi ăn xong nàng sẽ vỗ bụng, nói một câu
vô cùng… chân lý:
–
Không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ít nhất chúng ta có quyền chọn món ăn
mình yêu thích.
Tôi
liền hưởng ứng:
–
Yên tâm đi, nơi mình sinh ra thì cả thế giới này ai cũng giống nhau mà, việc gì
phải chọn !
Nơi vui chơi dành cho trẻ em
Hình ảnh chỉ mang tính chất…
nhem thèm
Sinh viên chụp ảnh kỷ yếu ở Dinh Độc Lập
By Du Uyên
Đọc thêm
KTS NGÔ VIẾT THỤ
Người thiết kế Dinh
Độc Lập.
Bảy
ngày giật giải Khôi nguyên La Mã
Kiến trúc sư Ngô Viết
Thụ quê gốc ở làng Lang Xá (hay Lăng Xá, huyện Phú
Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Kiến trúc
Đà Lạt thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó ông Thụ sang Pháp tiếp
tục theo học kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Năm năm sau ông
bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc.
Cột mốc đáng nhớ nhất
trong cuộc đời KTS Thụ cũng là niềm vinh dự của ngành kiến trúc Việt Nam đó là
vào năm 1955, ông xác lập kỉ lục khi trở thành người Việt duy nhất hiện tại đạt
giải Khôi nguyên La Mã.
KTS Ngô Việt Nam Sơn,
con trai KTS Thụ cho hay, giải thưởng La Mã hay Giải thưởng Rome, giải Khôi nguyên La Mã (Premier Grand de
Roma) là học bổng tổ chức thường niên từ năm 1663 ở Pháp, dưới thời vua
Louis XIV. Giải dành cho những nghệ sĩ hứa hẹn tài năng trong 3 lĩnh vực. Hội
họa, điêu khắc và kiến trúc, sau này bổ sung thêm âm nhạc.
Thí sinh đạt giải Khôi
nguyên La Mã được chuyển đến ở trong cung điện Medici tại thủ đô Rome (nước Ý)
thời hạn 3 năm để nghiên cứu. Thời gian lưu trú có thể gia hạn nếu giám đốc
học viện thấy hữu ích. KTS Nam Sơn kể lại lời người cha quá cố, cho biết, vua
Napoleon nước Pháp vốn mê kiến trúc Ý nên đã bỏ tiền mua cung điện trên tại
quốc gia này, sau đó cử các kiến trúc sư tài năng sang học tập. Cung điện
Medici cũng là trụ sở của Viện hàn lâm Pháp tại Rome. Thí sinh thắng giải Khôi
nguyên được tiếp đón và sống như một quốc khách. Họ có tài xế riêng, được quyền
tiếp đón khách trong cung điện. Đổi lại, những tài năng sống ở đây mỗi năm phải
tổ chức triển lãm các công trình do mình nghiên cứu.
Công trình giúp cố KTS
Ngô Viết Thụ đạt giải Khôi nguyên La Mã là thiết kế nhà thờ trên Đại Trung Hải
với sức chứa 40 ngàn tín đồ. Như lời KTS Nam Sơn chia sẻ, bố anh từng kể khi dự
giải Khôi nguyên La Mã đã chuẩn bị hàng chục bản đồ họa. Tuy nhiên trước hạn
nộp bài đúng 1 tuần lễ, KTS Thụ lại bỏ tất cả, bắt tay vào vẽ mới bản thiết kế
thánh đường trên diện tích giấy 10m2. Bản vẽ đã vượt qua bằng trăm bài dự thi
của các nhà KTS nổi tiếng toàn thế giới, lọt vào top 10 vòng chung khảo. Ở vòng
thi cuối, bản đồ họa của KTS người Việt giành được 18/9 phiếu, trở thành người
thắng giải.
Những bản thiết kế quy
hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn, chợ Đà Lạt, Viện hạt nhân sau này cũng được KTS Thụ
nảy nở ý tưởng trong thời gian lưu trú tại Viện hàn lâm Pháp ở Rome.
Tác giả công trình kiến trúc xanh đầu tiên ở Việt Nam
Theo nội quy giải thưởng
Khôi nguyên La Mã, sau khi kết thúc lưu trú ở cung điện Medici, ông Thụ được
nước Pháp tặng danh hiệu KTS trưởng các chương trình cải tạo, quy hoạch quốc
gia. Nếu ở lại nước Pháp, ông được ưu tiên trong các dự án lớn. Cùng thời gian,
nhiều trường đại học ở Canada mời KTS người Việt sang giảng dạy, phong hàm Giáo
sư. Nhưng bỏ qua mọi vinh hoa xứ người, KTS gốc Huế quyết định trở về Việt Nam
cống hiến cho tổ quốc.
Từ năm 1960, KTS Thụ về
nước làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thời gian này, chính
quyền VNCH vẫn còn Bộ xây dựng đảm nhận việc thiết kế các công trình lớn của
quốc gia. Ngô Đình Diệm thường mời KTS Thụ sang phủ chuyện trò, xin góp ý và ngỏ
mời KTS Thụ từ chối. Sau đó chính phủ VNCH xóa tên bộ xây dựng, lập ra Tổng nha
kiến thiết (gần giống với viện nghiên cứu thiết kế bây giờ) và
mời KTS Thụ hợp tác tư vấn. Toàn miền Nam bây giờ chỉ có 2 văn phòng thiết kế
quy hoạch xây dựng là Tổng nha thiết kế thuộc chính phủ VNCH và văn phòng của
ông Thụ.
Cũng xin nói thêm, những
thập niên 1960, ngành quy hoạch trên toàn thế giới đang ở giai đoạn mới phát
triển, tại Việt Nam chỉ có ba người có cả hai văn bằng kiến trúc sư và văn bằng
phát triển quốc gia tại nước ngoài là KTS Huỳnh Kim Mãng (giáo sư
trường cao đẳng kiến trúc Sài Gòn), KTS Lê Văn Lắm (giám đốc
tổng nha kiến thiết) và KTS Thụ.
Đến năm 1963, Ngô Đình
Diệm triển khai xây dựng mới Dinh Độc Lập (gọi tắt là Dinh) trên
nền cũ. Nhiệm vụ thiết kế Dinh được giao cho ông Thụ. Trước đó, ông Thụ phải
trải qua phần sát hạch gắt gao. KTS Nam Sơn nhắc lại lời bố cho biết có rất
nhiều đề án dự thi giành quyền thiết kế Dinh, chủ yếu theo 3 xu hướng: Sao chép
kiến trúc cổ nước Pháp, mô phỏng theo kiến trúc đình chùa Việt Nam và nhóm đề
án xây dựng công trình theo kiến trúc hiện đại nước ngoài (chủ yếu
dựa theo kiến trúc Pháp). Đề án dự thi của KTS Thụ khách hẳn, ông tuân
theo lối kiến trúc hiện đại nhưng pha trộn kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến
trúc truyền thống Việt Nam. Từ mặt bằng tổng thể hình chữ “Cát”
đến mặt bằng ngôi nhà đều bố cục theo triết học phương Đông một cách thâm túy,
thể hiện qua chiết tự những chữ Hán có ý nghĩa đem lại điều tốt lành, hưng
thịnh: “Trong bản thiết kế, bố tôi sử dụng chủ yếu đường nét
thẳng, mái bằng trên đỉnh mái có vạt bê tông vắt ngang. Nét thẳng, mái bằng tạo
nên sự uy nghiêm cho Dinh, còn vạt bê tông hay những bức tường hoa nắng tạo cảm
giác gần gũi của kiến trúc Việt. Chính sự kết hợp hài hòa đó đã giúp ông vượt
qua hàng trăm đề án cùng dự thi”, KTS Nam Sơn phân tích.
Trong quá trình xây dựng
Dinh, khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, nhiều nhà thiết kế muốn “chen
chân” vào vị trí ông Thụ. Bản thân KTS này sẵn sàng nhượng lại, chuyển
sang Pháp ở. Nhưng không lâu sau, chính quyền miền Nam phải gọi điện mời ông
Thụ quay về hoàn thiện công trình mang tầm vóc quốc gia này. Sau này, mỗi lần
tiếp đón nguyên thủ các nước trên thế giới, lãnh đạo chính quyền VNCH đều mời
KTS Thụ sang thuyết trình về Dinh Độc Lập.
Điểm nổi bật nhất của
Dinh Độc Lập như lời con trai KTS Thụ chia sẻ, đó là kiến trúc xanh nổi lên
thời gian gần đây. Kiến trúc xanh tức đảm bảo 3 yếu tố cơ bản gồm gió, nước và
ánh sáng tự nhiên cho công trình. KTS Nam Sơn phân tích cụ thể: Bên ngoài hành
lang Dinh có các dãy hoa tường tạo nên tấm màn chống nắng từ hướng Tây đồng
thời đón nắng từ hướng Bắc. Dọc hành lang hướng Tây được gắn kính chắn nước khi
trời mưa, trời tạnh có thể mở cửa đón gió. Bên trong Dinh ngày trước có một máy
lạnh vẫn đảm bảo không khí mát mẻ. Ngoài ra, phía trước và sau lưng Dinh là hai
công viên cây xanh và các hồ nước nhân tạo đều nhằm mục đích điều hòa không
khí. Vào những năm đầu thập niên 1960, đây là công trình đầu tiên xây dựng theo
kiến trúc xanh – trường phái kiến trúc đang thịnh hành trên thế giới và Việt
Nam.
be-st
Trường
ĐHSP Huế (tiền thân là Viện ĐH Huế) nhìn từ trên cao, hai tòa nhà chữ Y là
giảng đường.
KTS Ngô Viết Thụ thiết kế 1961 – 1963
__._,_.___
Posted
by: <vneagle_1
No comments:
Post a Comment
Thanks your Comment