Friday, September 13, 2019

Xóm làm lồng đèn truyền thống lâu đời nhất Sài Gòn.


Subject: Xóm làm lồng đèn truyền thống lâu đời nhất Sài Gòn.

                      Xóm làm lồng đèn truyền thống lâu đời nhất Sài Gòn.

Phần trang trí họa tiết cho những chiếc lồng đèn tốn mất nhiều thời gian nhất và đòi hỏi phải rất tỉ mỉ.


Phần trang trí họa vẽ cho những chiếc lồng đèn tốn mất nhiều thời gian nhất và đòi hỏi phải rất tỉ mỉ.


          GD&TĐ - Càng cận tết Trung thu, nhiều gia đình ở xóm đạo Phú Bình (đường Lạc Long Quân, quận 11, TP. Hồ) lại càng tất bật làm lồng đèn truyền thống để chuẩn bị giao đi các nơi.
          Những ngày này, các cửa hàng ở xóm đạo Phú Bình (quận 11, TP. Hồ) trang hoàng rực rỡ nhiều loại lồng đèn phục vụ mùa Trung thu đang cận kề. Trong đó, nổi bật là lồng đèn truyền thống, sản phẩm được những người dân Nam Định mang vào Sài Gòn và hình thành nên làng nghề cách đây hơn nửa thế kỷ.

 Nhiều mẫu lồng đèn truyền thống được trang trí rất đẹp mắt. 


          Chị Phạm Nguyễn Xuân Anh cho biết: "Gia đình đã làm nghề này rất lâu, do được ông bà để lại. Tôi cũng theo nghề từ nhỏ đến nay. 
          Năm nay, gia đình tôi làm gần 2.000 chiếc lồng đèn. Công việc chuẩn bị nguyên liệu từ sau Tết và khoảng từ rằm tháng 7 đến bây giờ là thời điểm bận rộn nhất. Lồng đèn ông sao được các khách đến đặt mua... ngoài ra, sản phẩm làm ra còn đi giao cho các cửa hàng, đại lý các nơi".
          Theo chị Xuân Anh, do giá cả nguyên liệu như tre, giấy và nhân công năm nay cao hơn năm trước nên giá bán cũng cao hơn so năm trước.

Ông Nguyễn Văn Quyền đang làm khung cho những chiếc lồng đèn. 


          Ông Nguyễn Văn Quyền, người đã gắn bó với nghề này khoảng gần 30 năm cũng cho biết: Làm một chiếc lồng đèn tốn nhiều công đoạn chọn mua tre từ Bình Phước, kẽm để làm khung, dán giấy kiếng và trang trí sản phẩm. 
          Thường thì khâu chuẩn bị nguyên liệu từ khoảng tháng 3, đến khoảng tháng 4, khi có khách đặt hàng thì gia đình bắt đầu chuẩn bị phơi và chẻ tre làm khung. Dịp này là cao điểm, cho hoàn thiện sản phẩm cho khách mùa Trung Thu, qua mùa thì được nghỉ vài ngày rồi gia đình lại làm hàng cho mùa Noel.
          "Hiện, nhiều nhà không có ai phụ làm nên bỏ nghề rất nhiều. Do nghề chỉ theo thời vụ, thành thử ngoài các tháng làm nghề, tôi phải kiêm thêm nghề xe ôm đưa rước các cháu học sinh trong xóm lúc rảnh rỗi", ông Quyền nói.

Bà Tuyết đang hoàn tất khâu in trang trí cho chiếc lồng đèn.


          Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ ông Quyền) cho biết: “Nhà tôi có ba anh em cùng làm nghề, hiện giờ, nhà bà đang hoàn tất các lô hàng để chuẩn bị giao cho khách đi giao cho các cháu ở Bến Tre".
          "Gia đình tôi thường làm những mẫu mã như: Lồng đèn hình con tàu, máy bay, con bướm, con thỏ, con gà, giỏ hoa… Tùy theo nhu cầu của khách hàng thì mình làm ra những mẫu đèn cho khách. Hiện nay, cả nhà ba anh em cũng làm được khoảng hơn 10.000 chiếc. Lồng đèn giờ treo đầy cả nhà, còn phải đi gửi treo cả bên nhà hàng xóm, Thứ 3 tới là phải kịp giao cho khách để đem đi", bà Tuyết chia sẻ.

Anh Nguyễn Trọng Thành đang vẽ màu trang trí phần thân cho chiếc lồng đèn con rồng.


          Còn anh Nguyễn Trọng Bình cho biết: Nghề làm đèn lồng của gia đình cũng được hai đời, bởi từ khi bố mẹ còn trẻ di cư vào đây lập nghiệp sinh sống và phát triển nghề này đến nay”.
          “Khi bố tôi chưa lấy vợ đã làm nghề đèn lồng, và đến khi ông mất năm 82 tuổi, giờ truyền lại nghề này cho các con, cháu, dâu rể... ai cũng đều biết làm nghề. Hiện đến đời mình cũng theo nghề cũng hơn 40 năm”, anh Bình kể.
          Theo anh Bình, giá cả nguyên vật liệu biến động tăng giá dẫn đến khó khăn cho người làm. Nhà anh hiện vẫn còn hai người trụ được với nghề, còn lại một số anh chị cũng chuyển nghề sang làm việc khác.
          "Những lúc mùa vụ thế này gia đình vẫn phải huy động các cháu đến phụ giúp để cho các cháu biết và lưu giữ lấy nghề làm đèn lồng của ông cha để lại", anh Bình chia sẻ.
          Anh Bình cho biết, năm nay thị trường “hút” mẫu đèn nhỏ, còn các mẫu đèn lớn lại bán chậm hơn. Còn năm ngoái thì ngược lại mẫu lớn lại bán chạy, còn mẫu nhỏ lại chậm.

 Một  học sinh đến chọn mua mẫu lồng đèn hình chú heo Đông Hồ rất đẹp mắt để về vui Trung thu tại trường. Đây là mẫu mới cho mùa Trung thu năm nay  do cơ sở của gia đình anh Bình sản xuất.


          Giá những chiếc đèn lồng từ 15.000 đến hơn 100.000 đồng/chiếc, có những chiếc đèn giá từ 3 đến 4 triệu đồng tùy theo mẫu mã, kích thước và chất liệu trang trí.
          "Lồng đèn heo vàng kim là mẫu mới được khách đặt có giá 3 triệu đồng vì kích thước lớn và trang trí bắt mắt", anh Nguyễn Trọng Bình - chủ cơ sở làm lồng đèn cho biết.

 Anh Nguyễn Trọng Thành đang vẽ trang trí  cho chiếc lồng đèn hình con rồng


          “Hiện anh đang hoàn thiện cho khách hàng ở Bình Dương chiếc đèn lồng hình con rồng dài 4m với nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, khung, buộc kẽm, giấy dán, vẽ, và gắn hệ thống điện cho đèn… với giá 4 triệu đồng/chiếc.
          Năm trước khách hàng này cũng đặt chiếc lồng đèn hình con rồng 3m, năm nay họ lại đặt chiếc đèn lồng có kích thước lớn hơn và dài hơn năm trước”, anh Thành vui vẻ nói.



                                                                    Những hình ảnh nhộn nhịp tại xóm làm lồng đèn truyền thống ở Sài Gòn:
 Công đoạn vót tre làm khung lồng đèn.

 Các bạn học sinh đến  thăm viếng tại cơ sở làm lồng đèn ở đây.

 Chiếc lồng đèn hình con thỏ rất dễ thương.

 Em Nguyễn Thanh Hạ, học sinh lớp 3 trường TH Lê Thành Tông Quận Tân Phú TPHCM phụ trách công việc dán giấy và vẽ trên lồng đèn ông sao.


 Khâu hoàn thiện trang trí cho những chiếc lồng đèn tàu biển.

 Đủ các mẫu mã lồng đèn được sản xuất tại đây.

Chiếc lồng đèn khổng lồ hình chú "Heo Vàng Kim" của cơ sở nhà anh Nguyễn Trọng Bình đang hoàn tất cho khách với chất liệu bằng vải.

 Lồng đèn hình tàu biển Việt Nam.

 Tại đây luôn nhộn nhịp rất đông khách hàng đến mua sản phẩm lồng đèn truyền thống.


                   Tuấn Thụy.  ./.



__._,_.___

Posted by: van tran 

No comments:

Post a Comment

Thanks your Comment

Popular Posts

My Blog List