Hát bội, đờn ca tài tử và sự
hình thành cải lương từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (phần 2) |
Nguyễn
Đức Hiệp – Nguyễn Lê Tuyên Nhạc Tài tử đầu thế kỷ 20 Nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Và với lưu dân di dân qua nhiều đợt vào miền Nam, nhạc tài tử bắt đầu xuất hiện hình thành ở miền đất mới vào thế kỷ 19 trong các lễ hội trong đời sống dân gian ở các làng xã vùng đất Gia Định. Theo quyển tự điển “Đai nam quốc âm tự vị” (1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của thì chữ tài tử có nghĩa như sau: Tài tử: Kẻ có tài riêng, kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công Bọn tài tử: Bọn chuyên nghề cổ nhạc Đến thập niên 1930, chữ tài tử đã có thêm một nghĩa mới như là ‘amateur’. Tự-điển Việt-Nam Phổ Thông của Đào Văn Tập ghi là: “Chỉ người chuyện về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ thuật đó, chứ không phải dùng tài để mưu sinh.” (Đào Văn Tập. Tự-điển Việt-Nam Phổ Thông. Saigon: Nhà Sách Vĩnh Bảo, 1951) Mặc dù lịch sử nhạc tài tử có từ lâu đời, nhưng nhạc tài tử thoát ra khỏi nhạc ở các lể hội và đến trình diễn với quần chúng bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Ban nhạc tài tử đầu tiên đến với quần chúng là do ông Nguyễn Tống Triều thành lập ở Mỹ Tho khoảng thập niên đầu của thế kỷ 20. Hình 10: Nam Kỳ - Saigon - Ban nhạc tài tử - carte postale. Ảnh chụp khoảng năm 1906. Hình này chắc phải được chụp ở hội chợ Marseille 1906 vì có các “carte postale” hình chụp ở Marseille giống như hình này của cùng ban nhạc tài tử. “Có một ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho do ông Nguyễn Tống Triều lập ra, với Nguyễn Tống Triều sử dụng đàn kìm, ông Bảy Vô kéo đàn cò, ông Chín Quán thủ cây đàn độc huyền, ông Mười Lý thổi ống tiêu, cô Hai Nhiễu đàn tranh và cô Ba Đắc hát . Mỗi tối thứ bảy ban nhạc này trình diễn tại Minh Tân khách sạn ở gần nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Người đến nghe loại nhạc tài tử này càng ngày càng đông. Ông chủ rạp hát bóng Casino ở Mỹ Tho thấy khách sạn Minh Tân sao đông khách quá, mới nghĩ đến việc đem ban nhạc này trình diễn trước giờ chiếu phim. Bắt đầu từ đó mới có phụ diễn cổ nhạc trên sân khấu hát bóng. Ca nhạc cải lương bước lên sân khấu đầu tiên là sân khấu hát bóng“ (3). Hình 11: Ban nhạc tài tử ở Hội chợ đấu xảo Marseille 1906. Các người trong ảnh y như trong hình 10. Người đứng giữa chống nạnh chính là ông Nguyễn Tống Triều (3). Người mặc áo đen bên trái là trưởng đoàn, ông “Viang” (xem giải thích phần sau) - Ảnh do E. Lacour chụp. Hình 12: Cùng cảnh như hình 11 nhưng của một nhà xuất bản “carte postale” khác và thế đứng của các nhân vật hơi khác – (nguồn eBay (http://cgi.ebay.fr/CPA-Expo-Coloniale-1906-INDOCHINE-Musique-Annamite-/110690312246). Theo Tuấn Giang, về lịch sử ban đầu của nhạc tài tử là xuất phát từ Mỹ Tho. “..Năm 1910 ở Mỹ Tho có ban tài tử Nguyễn Tống Triều được chọn đi diễn tại Pháp năm 1911. Sau Tống Triều “thương lượng với nhà hàng Minh Tân khách sạn ở ngay ga xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn giúp vui cho thực khác”. Từ năm 1911, ca nhạc tài tử không chỉ biểu diễn là nhạc phong tục, nghi lễ ở nông thôn Nam Bộ, ca nhạc tài tử có tính chuyên nghiệp cao đại diện cho giòng ca nhạc dân tộc bản địa đi diễn ở Pháp. Sau đó phát triển thành ca nhạc thương mại biểu diễn ở các sân khấu, nơi đông người, nhà hàng, khách sạn có doanh thu, có những ca sĩ, nhạc công sống bằng nghề đàn ca tài tử. Trong lịch sử ca nhạc tài tử có nhiều nhạc công giỏi tên là Triều, đó là các ông: Tư Triều người đàn hay nhất (tức Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia.” (5). Thật ra thì trước đó đã có một đoàn nhạc tài tử đã đi qua Pháp trình diễn ở Hội chợ thuộc địa tổ chức vào năm 1906 ở Marseille. Các hình ảnh của ban nhạc tài tử này chụp ở Marseille năm 1906 hiện đã được tìm thấy và đăng lại trong bài này. Đây chính là ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều. Hình 13: Ban nhạc tài tử ở Marseille 1906 (nguồn http://nguyentl.free.fr/html/photo_expo_universelle_fr.htm). Ảnh do Vincent Baudouin chụp. Theo tư liệu xuất bản dưới sự bảo trợ của chính phủ toàn quyền Đông Dương “L’Indochine 1906” (21) viết bởi một số đại biểu của Đông Dương là các ông Joseph Ferrière, Georges Garros, Alfred Meynard, Alfred Raquez thì dẫn đầu ban nhạc tài tử ở hội chợ Marseille là “M. Viang”. (ông “Viang”), được ghi chú trong bức hình ban nhạc tài tử trong sách nhưng không ghi rõ gì thêm. Ông “Viang” mặc đồ đen đứng chính giữa, và bên trái hình là ông Nguyễn Tống Triều. Ông “Viang” là một nhân vật thế nào, tên thật của ông là gì, trong thuở ban đầu của nhạc tài tử, hiện nay chúng ta không rõ. Trước đó, ông “Viang” cũng là người dẫn đầu nhóm nhạc tài tử đến Hội chợ thế giới năm 1900 ở Paris và đã gặp nhạc sĩ, phê bình gia và nhà dân tộc nhạc học Julien Tiersot. Hình 14: Ban nhạc tài tử dự hội chợ Marseille, trích từ sách “L’Indochine 1906”. Để ý “ông Viang” đứng cao nhất ở giữa hình và được ghi là “M. Viang”. Hình từ ảnh của Vincent Baudouin (xem Hình 13) Hình 15: Tranh của Charles Paul Renquard, “Chantier de construction pour l'exposition de 1900” (“Xưởng xây dựng cho Hội chợ quốc tế 1900”) – Bảo tàng Louvre (Nhà hát Đông Dương được xây cùng với nhiều tòa nhà khác trên con đường này, sau khi Hội chợ chấm dứt, các tòa nhà được phá bỏ) Julien Tiersot trong quyển “Notes d’ethnographie musicale” (20) gồm các bài ông đã viết trước đó trong tạp chí âm nhạc "Ménestrel" (1900-1902) có nói là ông đã có tiếp xúc và ghi lại các kỷ thuật nhạc cụ và nhạc tài tử mà ông “Viang” đã cho Julien Tiersot biết trong Hội chợ quốc tế Paris 1900. Julien Tiersot, một nhạc sĩ và nhà nghiên cứu dân tộc học Âu, Á, Phi nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19, đã viết trên "Ménestrel" (1902) các bài về nhạc Trung Quốc, nhạc Việt Nam nhân dịp triễn lãm thế giới 1900 với tựa đề "Ethnographie musicale: Notes prises à l'Exposition Universelle de 1900". Năm 1906, ông Viang cũng đến hội chợ thuộc địa ở Marseille dẫn theo một ban nhạc tài tử từ Saigon (như Tiersot cho biết). Như vậy nhạc tài tử đã được biết đến qua các dịp trình diễn trong thập niên 1900 ở Pháp (năm 1900 ở Paris và năm 1906 ở Marseille). Nhà báo và nhà phê bình nghệ thuật, ông Arthur Pougin, đã đến “Théâtre Indochinois” (Nhà hát Đông Dương) ở Trocadéro trong khuôn viên của Hội chợ thế giới Paris 1900 để xem một xuất trình diễn và ông đã mô tả như sau (26): “..Nhà hát Đông Dương – Nhà hát này, người ta nói, được giao cho một thực dân (colon) ở Saigon xây dựng. Chúng ta hảy đi vào bên trong, sau khi đã không quên thưởng thức trước hết kiến trúc bên ngoài của nhà hát này, xứng đáng để ta xem kỹ lưỡng. Công trình này tạo vinh dự cho kiến trúc sư, ông de Brossard. Tổng thể rất hài hòa. Phía mặt trước nhà hát được trang trí bởi các mô-típ, may mắn thay, chúng được ẩn không lộ liễu, cửa vào rất to lớn, đồ sộ, mà phía trên cửa được trạm trỗ rất tráng lệ, và mái ngói của nhà hát rất chính thực mới lạ, với gác chuông cao và xinh xắn ngự trị nhà hát. Nhà trình diễn bên trong khá rộng và được trang trí dầy đặc với các vũ khí, các dụng cụ âm nhạc, đồ đồng, đồ mỹ nghệ, đủ các vật lạ lý thú, cho ta cảm nhận sự kỳ lạ ngoại lai đúng thực. Nhà hát có thể chứa khoảng hai trăm rưỡi khán giả ngồi thoải mái trên ghế bành làm bằng cây bấc (jonc), không kể khán giả mua vé đứng trong hành lang rộng tạo thành một ban công quanh phông (fond) sân khấu. Người ta đã bàn tán ồn ào sôi nổi rất nhiều về nhà hát Đông Dương này. Bảo đảm, tôi không muốn nói xấu điều gì, và cảnh trình diễn mà nhà hát cống hiến cho công chúng là chắc chắn sẽ không có thiếu một sự thú vị nào đó. Nhưng cuối cùng, giá bán các vé khá đắt (giá cho đến năm franc) với lý do biện minh là họ có thể chứng tỏ cho công chúng thấy một vài đòi hỏi cao về buổi trình diễn, thật ra thì buổi trình diễn cũng không dài hơn đúng nữa tiếng đồng hồ. Tôi biết rõ lý do là vì họ phải tốn chi phí mang những người Đông Dương đến đây và nhất là cô Cléo de Mérode, vừa trở về từ Mỹ - người mà họ làm sự xuất hiên trên sân khấu của cô, xin lỗi nếu điều này làm hài lòng bạn, như trên một sân khấu thật sự vậy. Cô ấy lúc nào cũng thật đẹp, cô Cléo de Mérode, với thân hình mãnh mai, tay chân mảnh dẻ, đôi khi mềm mại, khêu gợi và quyến rũ, và điều này không thể không nói, đó là cô mặc trang phục rất đẹp và ấn tượng. Nhưng điều gì đi nữa, mặc dầu cô ta đẹp, cô ta chỉ là một người An Nam nhuộm giả tạo, một người An Nam hàng lậu, mà sự kỳ lạ ngoại lai chỉ có thể cho một ảo tưởng tương đối. Và kế đó, ngoài cô ra, tôi còn nghi ngờ về quốc tịch của một vài diễn viên khác nữa. Tôi muốn nói đến các vũ nữ An nam hay Cam Bốt , một phần của đoàn múa của vua Norodom, mà ban quản lý sân khấu Đông Dương đã mướn, họ bất đắc dĩ đã bị trễ đến hội chợ trong nhiều tuần, nên ban quản lý đã thay thế vào phút cuối bởi các vũ nữ ba-lê người Ý của nhà hát Columbia, vì sự thất bại này, họ đã giải quyết dùng một phương pháp đặc biệt là để các vũ nữ ba-lê đến học hỏi từ một nhà chiếu phim của một ngôi chùa bên cạnh, ông này đã chiếu các cảnh của một điệu múa trong triều đình An Nam. Vậy thì có phải họ đã lợi dụng sự chân thành ngây thơ của tôi bằng cống hiến trước đôi mắt bị lợi dụng của tôi những người đồng hương Đông Dương của ông Fregoli ?. Thật kinh hoàng và phàm tục !. Thôi, mặc tất cả, chúng ta hãy đi vào bên trong chính điện. Màn kéo lên, và đồ trang trí, tất cả sáng loáng, của một màu mãnh liệt, của một khía cạnh đặc thù, với những thú vật kỳ lạ mà nó biểu hiện, ngay lập tức ta nhận ra là “màu địa phương”. Bắt đầu buổi trình diễn là bản hòa tấu với đội hợp xướng, mà tôi thề là, không cho ta thấy có sự giống hay liên hệ nào với bản hòa xướng của Beethoven. Nếu phải chọn, tôi thích bản hòa xướng này ở đây hơn. Sáu thiếu nữ và mười thanh niên vào và yên lặng ngồi xuống đất, đối mặt với khán giả, làm thành hai hàng, hàng đầu là các thiếu nữ, và thanh niên ở hàng sau. Tất cả đều có dụng cụ âm nhạc, mà tất cả họ vừa chơi vừa hát, hợp thành một bản hòa tấu hát. Mặc dầu âm nhạc này lạ tai với chúng ta, làm chúng ta hoàn toàn ngơ ngác, nhưng người ta không thể nói là âm nhạc này hoàn toàn khó chịu. Nhạc này có trong một thang âm của nó chứa đựng một dấu vết êm dịu, có một chút đặc tính u sầu mà không phải là không có một loại duyên dáng êm dịu đu đưa. “ Hình 16: Exposition universelle de 1900, Paris. Cléo de Mérode au théâtre indochinois. "Le Panorama", nouvelle série, n° 20. RV-936986 – Cô Cléo de Merode múa ở giữa trên sân khấu Đông Dương, bên trái và sau lưng cô Cléo là các vũ nữ và bên phải là dàn nhạc tài tử (nguồn http://www.parisenimages.fr/fr/popup-photo.html?photo=14575-6) Cléo de Mérode là một minh tinh nhảy múa ở Âu châu thời bấy giờ, và ở thời điểm Hội chợ 1900 cô đã 25 tuổi và đạt được cao vọng của nghề nghiệp. Vì đẹp và có tài, nên các phụ nữ Paris thường theo thời trang của Cléo de Mérode. Các giới văn nghệ sĩ đều để ý và ngưỡng mộ nhan sắc và phong cách của người phụ nữ có dòng máu quí tộc này. Qua thông tin mà Pougin đã viết, ta có thể nhận thấy là ban tổ chức dùng người đẹp nổi tiếng, ngôi sao Cléo de Mérode như là một minh tinh trong màn trình diễn để thu hút nhiều khách đến xem và thâu được nhiều lợi nhuận hơn là có mục đích trình diễn văn hóa chính thực có tính cách học thuật về nghệ thuật bản xứ Đông Dương. Trong thực tế thì vũ điệu truyền thống Cam Bốt của văn hóa Khmer không có dùng ban nhạc tài tử của người Việt Nam. Cũng vậy, cả điệu vũ ban tổ chức dùng người nước khác chứ không phải người Khmer, mặc dù trang phục với mũ đội mà Cléo de Mérode mặc thì đúng với trang phục của các vũ công Cam Bốt. Nhà văn Maurice Talmeyr đã viết chi tiết hơn về ban nhạc tài tử trong buổi trình diễn ở Nhà Hát Đông Dương (24) “.. Tôi đến dự buổi trình diễn ở Nhà hát Đông Dương, được xây dựng chu toàn đầy kỹ lưỡng, tráng lệ và không phải là không có phong cách. Ở sân khấu, trên tấm màn fond vẽ một phong cảnh to lớn làm binh phong có những nhân vật khác thường đang chạy trốn trong cảnh trí thiên nhiên ảo tưởng dị thường. Ở hai bên sân khấu, nơi mà xưa kia các ngài chức vị ngồi trong rạp hát xưa của chúng ta, có mười sáu nhạc công người An Nam, ngồi dưới đất khoanh chân, và chơi giữa hai đầu gối của họ, các dụng cụ âm nhạc chua chát và lạ lùng. Họ trình diễn vỡ múa “Bague enchantée” (“chiếc nhẫn kỳ diệu”), và trong tờ chương trình cho chúng ta thông tin như sau: “Văn học Cam Bốt có rất nhiều truyện truyền thuyết, huyền thoại, đủ loại câu truyện xanh, hồng và tím. Một trong những huyền thoại này là huyền thoại Vorvong và Sauvirong, mà trong đó có đoạn “Chiếc nhẫn kỳ diệu”. Một thanh niên đức hạnh, tên là Vorvong, một hôm đi lạc một mình trong rừng. Một ẩn nhân tốt bụng, cảm thông với số phận của Vorvong, đã cho anh ta một chiếc nhẫn kỳ diệu, chiếc nhẫn này sẽ bảo vệ anh chống lại các bùa ngãi. Nhờ chiếc nhẫn này, Vorvong đã tránh thoát khỏi cây gậy của một lão già dữ dằng, ác hiểm. Để trả thù, lão già này đã tố với hoàng hậu là anh là kẻ ăn cắp. Anh được giải thoát là nhờ tình yêu của một công chúa diệu hiền, tên là Kessey đã can ngăn hoàng hậu. Nhờ chiếc nhẫn đã làm nhiều điều kỳ diệu giúp anh có danh tiếng và cưới được công chúa Kessey. Và đám cưới của đôi uyên ương hạnh phúc này là dịp vui cho tất cả triều đình.” (4) Dưới trang phục tất cả óng ánh vang, đầu đội “mas”, một loại vương miện hình tháp nón, các vũ công lắc mình và đung đưa thân hình. Ánh sang đèn điện phủ khắp đoàn vũ công, những đồ trang sức vàng mạ, những đồ sơn mài, đồ trang trí, những gương mắt đánh sáp mơ ảo của các nhạc công ngồi xổm, với âm nhạc nhè nhẹ, lanh lảnh, và hơi nhôn nhốt chua, vang âm, lên, cuồn cuộn theo điệu múa, cuộn lẫn nhau như một họa tiết Joli (vignette Joli), có một chút tính chất trẻ con. Toàn bộ tập hợp này rất dễ chịu. Nhưng minh tinh Cam Bốt nào mà tôi thấy nhảy múa trước mắt tôi trong cảnh trí Đông Dương này?... Cô Cléo de Mérode!. Vâng chính cô Cléo de Mérode với các băng đô của cô ấy!.... Và sự thăm quan vào hậu trường mà tôi sắp sửa đi vào đã tập trung sự suy nghĩ của tôi vào sự chính thực và giả tạo của tất cả cái Đông Dương này đang được trưng bày. Dàn nhạc thì quả thật đúng là An Nam. Bạn không thể lầm được, cũng như không thể lầm về diện mạo của những nhạc sĩ, và nhất là diện mạo của ông trưởng đoàn của họ. Ông mặc áo dài màu đen, người mảnh khảnh đến ngạc nhiên, mảnh khảnh như cây đàn vĩ (archet) sống động, với một hình thù như một ngà voi già và cong. Nhưng mà ông ta nói được tiếng Pháp và cho tôi biết về những nhạc sĩ của đoàn ông ta. Tất cả các nhạc sĩ cũng mặc áo dài đen như ông. Có tám người chơi đàn tranh, hay đàn guitare mười sáu dây, một người chơi đàn kim (kìm), hay đàn guitare bốn dây (xưa là 4 dây, ngày nay đàn kìm chỉ có 2 dây) , một người chơi đàn co (cò), hay đàn violon hai dây, hai người chơi đàn doc (độc huyền cầm/ đàn bầu) hay violon một dây, một người thổi tieu (tiêu) hay sáo, một người chơi đàn ty (tỳ bà) hay guitare chơi với móng tay Những nhạc sĩ, mà chính họ là người An Nam, không bao giờ chơi tại nước họ, trong điều kiện hoàn cảnh như họ vừa chơi hồi nảy trên sân khấu ở đây. Trong hội chợ, ở nơi khác, có một Nhà hát Cam Bốt (théâtre cambodgien), hay tương đương với một Nhà hát Cam Bốt chính cống, nhưng nó không có giống gì hết với nhà hát ở đây. Nói một cách khác, vỡ “La Bague Enchantée” như là trong chương trình đã tuyên bố là lấy từ huyền thoại Cam Bốt, nhưng nó không phải là vỡ múa nhạc Cam Bốt, và những người Cam Bốt, ở xứ Cam Bốt, không bao giờ trình diễn hay xem một vỡ múa hát tương tự như vỡ vừa trình diễn ở đây. Cô Cléo de Mérode, giữa những vũ công, cuối cùng có phải cô đúng là người Đông Dương duy nhất của giống nòi họ hay không?. Không, tất cả đoàn vũ công cũng là người Đông Dương như cô. Có thể đoàn này đến từ Milan, nhưng họ đến từ nơi không xa đây lắm. “ (Chữ trong ngoặc ở trên là của dịch giả) Theo ông Maurice Talmeyr mô tả người trưởng đoàn như trên thì ta thấy nó rât khớp với hình ông “Viang” (hình 17) mà Julien Tiersot cũng có gặp ở cùng Hội chợ vào năm 1900. Ta có thể đoán là ban nhạc tài tử do ông “Viang” hướng dẫn qua Paris cũng chính là ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều mà sau đó ông “Viang” cũng hướng dẫn đến Marseille vào năm 1906. Sau khi trở về Mỹ Tho sau chuyến đi trình diễn ở Marseille 1906 và chắc có thể trước đó ở Paris năm 1900, ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều, với kinh nghiệm trình diễn ở nước ngoài, đã ra mắt trình diễn cho công chúng người Việt ở Khách sạn Minh Tân, Mỹ Tho và sau này ở nhà hàng Cửu Long Giang, Saigon. “Vào năm 1914, ông chủ cửa hàng Cửu Long Giang đã mời các nhóm tài tử Nam Bộ lên diễn ở Sài Gòn. Theo ông Trần Vãn Khải cho biết: “bài Tứ đại oán cải biên thành lối carabộ nãm 1914, lúc đầu là vãn kể chuyện do cô Ba Ðắc ca, có dàn nhạc tài tử mặc quốc phục ngồi trang nghiêm trên bộ ván tứ, ðến nãm 1915, ông phó Mười Hai ở Vĩnh Long quy tựu anh em tài tử, rồi cho ba ngýời thủ vai Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga, ðứng trên ván vừa ca vừa ra bộ” (5). Chủ nhà hàng và nhà trọ Cửu Long Giang là ông Nguyễn Phong Cảnh. Ngoài nhà hàng Cửu Long Giang ở góc đường Filippini (5) (sau đổi là Aviator Roland Garros và ngày nay là Nguyễn Trung Trực) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn), ông Nguyễn Phong Cảnh còn là chủ khách sạn “Phong Cảnh khách lầu” ở góc đường Filippini và Boulevard Bonnard (Lê Lợi). Chính tại nơi đây sau này, trên lầu 1 là nơi có cuộc họp đầu tiên của An Nam Cộng sản đảng do Châu Văn Liêm tổ chức ngày 7 tháng 8 năm 1929. Ngày nay nơi này vẫn giữ y như xưa và được Ủy ban nhân dân thành phố coi là một di tích lịch sử. Trên báo “L’Ère Nouvelle” 7 tháng 1 năm 1928 có đăng quảng cáo “Phong cảnh khách lầu” như sau: “Phong Canh Khach lau Angle des boulevard Bonnard et rue Filippini Chambres confortablement meublée, propres aérées, 2e et 8e étages. Ascenseur, Douche et W.C. dans tous les chambres. Personnel discipliné. Nguyen.phong-CANH, Propriétaire “ Nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang (Hôtel de Mekong) là nơi duy nhất trong các nhà hàng quanh chợ Mới (tức chợ Bến Thành ngày nay, để phân biệt với chợ Cũ gần bến Bạch Đằng và đại lộ Nguyễn Huệ) là có ca nhạc tài tử, ca ra bộ và sau này cải lương giúp vui. Các nhà hàng cạnh đó trên đường Espagne như nhà hàng Đông Pháp lữ quán, nhà hàng Quảng Thạp (7). Theo Vương Hồng Sễn, Đông Pháp Lữ quán, của ông Lý Kỳ Quân, nằm giữa Cửu Long Giang và nhà hàng Quảng Thạp, bán cơm Việt Nam cạnh tranh không bằng nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang do Cửu Long Giang có nhạc ca tài tử cuối tuần, nhưng sau khi Đông Pháp Lữ quán được sang lại cho người đẹp nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh, là cô Yvette Trà (Trần Ngọc Trà) vào năm 1923 thì nhiều người khách ở Cửu Long Giang và Quảng Thạp bỏ qua để ăn và ngắm Yvette Trà đứng “caisse” thâu tiền. Nhà hàng Quảng Thạp bán cơm tây rất ngon và đông khách là do có một đầu bếp người Hoa gốc Hải Nam từng nấu ăn cho thống đốc Cognacq (7). Tuy vậy theo quảng cáo trên “L’Ère Nouvelle” (Nhựt Tân báo) các số năm 1926 (9) của ông Nguyễn Phong Cảnh về nhà hàng Cửu Long Giang “Lời Cảm Tạ Quí ông quí bà, kể từ ngày tôi mua cái nhà hàng Cửu-long-giang mà làm chủ đến nay, cũng nhờ ơn quí khách có lòng chiếu cố thương tưởng đến tôi nên mới đặng thạnh vượn phát đạt, nhờ vậy, nay tôi mới lập thêm được cái annexe tại đường Sabourain (đường ngang chợ mới Saigon) cả thảy có 10 căn phòng ngủ, dưới đất có trên lầu có, thật mát mẻ không ngần, lại có chổ để xe hơi tính giá thiệt rẻ. Còn nhà hàng tôi thường ngày đều có đổi món ăn lạ luôn luôn, nấu ăn Hải-Nam thiện nghệ trước nấu cho quan Toàn-quyền. Quí khách mổi khi có tiệc chi xa gần tôi cũng lảnh đặng lại tính giá thiệt rẻ hơn các nơi cho vừa long quí khách. Kính-Thỉnh CHỦ-NHƠN NGUYỄN-PHONG-CẢNH. Telephone No 153 “ Như vậy có thể Vương Hồng Sển nhớ lầm hay là đầu bếp nhà hàng Quảng Thạp đã qua nhà hàng Cửu Long Giang của ông Nguyễn Phong Cảnh năm 1926 sau khi nhà hàng xây thêm annex ở đàng sau, ra đường Sabourain (6) (đường Tạ Thu Thâu trước 1975, nay là đường Lưu Văn Lang) ngang chợ Mới (Bến Thành). Theo những thông tin ở đây thì ta có thể cho rằng cơ sở thương mại của ông Nguyễn Phong Cảnh rất là phát đạt. Trong số người đàn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) diễn xuất tại nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang, ngoài cô Ba Đắc ca hát còn có cô Hai Nhiễu (con của ông Tư Triều). Cô Hai Nhiễu vừa hát và cũng chơi đàn tranh. Ông Tư Triều thì chuyên chơi đàn kìm. Theo “Saigon năm xưa” của Vương Hồng Sễn (6) thì nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang cũng là nơi thường lui tới của các nhà báo, văn sĩ, nhân sĩ như Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn An Khương, Lê Hoằng Mưu, Lê Sum,… Sự phát triển, hoạt động thương mại và văn hóa ở nhà hàng, khách sạn Cửu Long Giang (Hôtel de Mekong) đã gây ra sự chú ý (có thể ghen tức) của một số người. Ngày 6/9/1926, Hôtel de Mekong đã kiện báo “l’Opinion” khi báo này viết bài là ở “Hôtel de Mekong” là nơi tụ tập đánh bài, ăn chơi trác táng (9). Nhà hàng Cửu Long cũng là nơi Đông Dương lao động đảng (Parti travailiste Indochinois) do ông Cao Triều Phát chính thức ra mắt vào ngày 12/11/1926. Tờ “Nhựt Tân báo” và “L’Ère Nouvelle” do ông Cao Hải Để làm chủ nhiệm là tiếng nói chính thức của “Đông Dương lao động đảng”. Một tờ báo trung lập nhưng có khuynh hướng tiến bộ. Đối diện với nhà hàng Cửu Long Giang, cũng trên góc đường Filippini và đường Espagne, là trụ sở báo “Đông Pháp thời báo” (1923-1928) của ông Nguyễn Kim Định và năm 1927 thì sang lại cho ông Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ năm 1928 đổi tên tờ Đông Pháp thời báo thành tờ Thành Chung (“La cloche du matin”) (1928-1930) và báo này có tiếng nói đối lập hơn so với trước. Cũng như trong lịch sử ca tài tử và cải lương, thì thập niên 1920 và 1930 là những năm manh nha khởi đầu và dần phát triển lớn mạnh báo chí. Nó biểu hiện cho sự trưởng thành tham gia chính trị trong lịch sử báo chí ở Việt Nam nói chung và Saigon nói riêng. Hình 17: Nam Kỳ - Saigon. Nhạc sĩ đàn ông và đàn bà – Carte postale. Một carte postale tương tự có dán tem đóng dấu ngày 23 tháng 6 1911 http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/4519719013/. Người ngồi là ông Nguyễn Tống Triều. Đây có thể là gia đình của ông Nguyễn Tống Triều. Sự phát triển ca tài tử và cải lương từ Mỹ Tho đến Saigon là hệ quả của sự đương nhiên qua sự thuận lợi lưu thông của đường xe lửa Saigon-Mỹ Tho, nối các tỉnh Nam kỳ (lục châu) với Saigon. Minh Tân khách sạn, là một trong các cơ sở của phong trào Minh Tân do Gilbert Trần Chánh Triếu lãnh đạo, nơi đờn ca tài tử được bắt đầu khởi xướng hát ra công chúng, có vị trí gần ga xe lửa Mỹ Tho. Và nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang cũng như khu vực chung quanh chợ Mới ở ngay sát cạnh ga xe lửa Saigon. Mỹ Tho lúc đó là nơi phồn hoa đô hội vì là nơi giao điểm của các khách từ lục tỉnh đến để nghỉ chân trước khi đi xe lửa lên Saigon hay từ Saigon trở lại các tỉnh. Qua nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang, đàn ca tài tử và ca ra bộ phát triển và phổ thông tới nhiều người trong mọi tầng lớp ở Saigon. Trong lịch sử đờn ca tài tử và cải lương thì vai trò của ông Nguyễn Phong Cảnh, chủ nhà hàng Cửu Long Giang và Phong Cảnh khách lầu, trong sự phát triển của chúng là không nhỏ. Theo hồi ký của ông Trần Văn Khê (8) thì vào năm 1949 ông Nguyễn Phong Cảnh đã giúp giới thiệu ông Khê, trên đường qua Pháp du học trên tàu Champollion, với ông quan ba của tàu Champollion và vì thế mặc dầu mua vé hạng tư nhưng được lên bong tàu hạng nhứt và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người như vua Lào, lãnh sự Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Ý,.. Hình 18: Nam Kỳ - Saigon – Ca sĩ và nhạc sĩ trong ban nhạc tài tử ở hội chợ Marseille 1906. Trong ba người này có thể là các cô Ba Đắc, cô hai Nhiễu. Hình 19: Rạp hát Đông Dương, nơi trình diễn hát bội và nhạc tài tử ở Hội chợ thuộc địa Marseille 1906. Ảnh “carte postale” (Editeur L.P.M) Hình 20: Gian nhà Nam Kỳ ở Hội chợ thuộc địa Marseille 1906 Hình 21: Carte postale, Ban nhạc tài tử ở Hội chợ Marseille 1906. Có ghi là ban nhạc trình diễn ở “Nhà nghỉ của thượng khách từ Nam kỳ”. Vương Hồng Sến cho biết sự chuyển biến từ hát tài tử ở dạng ngồi không diễn đến “ca ra bộ” bắt đầu từ cô Ba Đắc (mà trước đó cô đã có trong ban nhạc tài tử của ông Tống Triều) khi ông Mười Hai lúc ghé Mỹ Tho và có thấy cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán trong một buổi trình diễn: “Cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán với giọng gần như đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà, ông Phó Mười Hai, nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên bộ ván tứ có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ lối năm 1915 - 1916”. (4) Cách hát trình diễn “ca ra bô” là tiền đề để nhạc tài tử ảnh hưởng và xâm nhập vào các tuồng hát bội trở thành hát bội cải cách hay hát bộ và từ đó ra hình thức mới của sân khấu nghệ thuật: cải lương Sự hình thành của sân khấu Cải Lương Ảnh hưởng của lối chơi nhạc tài tử trong các tuồng hát bội lần lần được chấp nhận trong quần chúng. Kịch nói, sân khấu nghệ thuật của Tây phương do người Pháp mang vào Việt Nam cũng có ảnh hưởng sâu rộng. Từ khi nhà hát lớn thành phố ở Saigon được khánh thánh năm 1900 thay thế nhà hát nhỏ tạm thời ở gần quảng trường Rigault de Genouilly (Mê Linh ngày nay) thì người Việt đã có dịp tiếp cận với kịch nói cổ điển hay tân thời Tây phương với phong cách dựng cảnh trí, bối cảnh (fond). Những ý tưởng mới này và sau này cùng với âm nhạc Tây phương qua các dĩa hát đã được các nghệ sĩ người Việt thây tiếp và cải tiến hợp với dụng cụ nhạc và sân khấu Việt Nam. Năm 1917 có hai sự kiện quan trọng trong lịch sử “cải lương”. Ngày 28/3/1917 ông Lương Khắc Ninh, một công chức, có diễn thuyết ở Hội khuyến học Nam Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de Cochinchine) về đề tài “Cải lương hí nghệ”. Và ngày 11/9/1917 vở kịch “Vì nghĩa quên nhà” của Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh mô phỏng hài kịch phương Tây được trình diễn ở rạp Eden Saigon và ngày hôm sau ở rạp Cô Tám (Chợ Lớn). Vở kịch này gây ra sự tranh luận giữa nhóm bảo tồn hát bội và nhóm hát bội cải tiến. Năm 1918, tuồng hát bội “lai kịch nói và cải lương” với trang phục giản dị Pháp Việt sơ giao (câu truyện về Nguyễn Ánh Gia Long tẩu quốc được sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc) được công chức trình diễn ở nhà Hát Lớn Saigon với mục đích kêu gọi đóng góp giúp đỡ Pháp đang trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó toàn quyền Albert Sarraut đã cho phép và giao cho các nghệ sĩ hát bội đi trình diễn ở các tỉnh Nam kỳ, và từ đó làm phổ thông kiểu hát bội mới này. Hát bội “cải cách” càng ngày càng phổ biến từ Saigon đến Lục tỉnh và đến thập niên 1920 thì rất nhiều ban tuồng “cải cách” ra đời. Năm 1920, ông Trương Văn Thông lập ra gánh Tân Thịnh ở đuờng Boresse (nay là đường Yersin). Năm 1921, Vương Có lập ra gánh Tập Ích ban và André Thận lập ra gánh hát Thầy Thận (xiếc, chiếu phim câm, ca ra bộ) ở Sa Đéc, vào dịp Tết đến Saigon, Mỹ Tho và Phnom Penh trình diễn. Qua năm sau, 1921, thì thầy Năm Tú (Pierre Châu Văn Tú) mua lại đào kép của gánh thầy André Thận để lập ra gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho và cuối năm gánh này lên Saigon trình diễn ở rạp Moderne (Chợ Lớn) và rạp Eden (Saigon). Hảng dĩa Pathé sau đó mời gánh Thầy Năm Tú thâu dĩa nhạc (23). Năm 1920 cũng là năm bài “Dạ cổ Hoài lang” của ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác ở Bạc Liêu. Bài “vọng cổ” này sau đó được phổ biến trong các gánh “cải cách” đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật sân khấu mới gọi là Cải Lương. Nghệ thuật sân khấu mới, Cải Lương, được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Các ban cải lương mọc ra như nấm ở Saigon-Chợ Lớn. Năm 1925, ông Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ của nghệ sĩ Kim Cương) lập ra gánh cải lương Phước Cương. Và năm 1926, Trần Đắc Nghĩa lập ra gánh cải lương Trần Đắc, Nguyễn Văn Đẩu lập gánh “Nghĩa Hiệp Ban” và ông Sáu Ngọ (vua cờ bạc) lập ra gánh “Nam Hưng ban” ở Chợ Lớn (23). Theo Trần Quang Hải (3) về nguồn gốc của từ “cải lương” thì “ Danh từ « cải lương » có lẽ rút từ câu: Cải biến kỳ sự, Sử ích tự thiên lương » Có nghĩa là đổi những gì cũ còn lại ra thành những gì mới và hay. Danh từ cải lương được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu của gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông vào năm 1920. Sân khấu được trang hoàng đẹp đẽ, có màn nhung, có tranh cảnh, và hát bài La Madelon bằng tiếng Việt trước khi kéo màn. “ Theo Tuấn Giang trích trong “Lịch sử sân khấu Việt nam” thì lại khác “Ban Tân Thinh đến năm 1920 mới ra đời, sáng tác hai câu thơ treo trước cửa rạp: Cải lương ca hát theo tiến bộ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. “ Và Tuấn Giang đã phân tích thì thực ra từ “cải lương” đã có từ năm 1918 do ông Năm Tú dùng cho tên gánh hát của mình. Ông Năm Tú là người áp dụng thương hiệu từ “cải lương” để goi gánh hát của mình “Ban hát cải lương Châu Văn Tú”, và nghiêm cấm các ban khác không được dùng thương hiệu cải lương của ông (5). Và hơn nữa, từ “cải lương” cũng đã được dùng trong báo chí, sách vở của các nhà văn vào nhiều năm trước đó để nói về triết lý chính sách cải lương (reformist) theo tư tưởng triết học phương Tây. Ông Năm Tú chỉ dùng lại từ đã được dùng phổ thông trong giới trí thức có học thời đó. “Đào kép gánh Thầy Thận mới nhập vô Gánh Thầy Năm Tú (tên thật là Châu văn Tú) ở Mỹ Tho. Đây là một gánh hát đại quy mô, có soạn giả Trương Duy Toản (tác giả vở Kim Vân Kiều), có họa sĩ Trần Ngọc Điều vẽ phong sơn thủy. Danh tiếng gánh hát vang tới Saigon. Đoàn hát lên diễn tại rạp hát bóng Moderne ở vùng Tân Định. Hãng dĩa Pathé của Pháp đã sản xuất rất nhiều dĩa hát 78 vòng. Nhờ vậy tiếng tăm của gánh Thầy Năm Tú vang dội khắp ba miền Nam Trung Bắc. Sự hình thành gánh Thầy Năm Tú đánh dấu sự chào đời sân khấu cải lương và có tầm vóc quốc gia hơn là địa phương. Lần lượt các gánh khác được lập ra một cách mau chóng: Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban ở Thốt Nốt, Nghĩa Đồng Ban, Tân Thinh. Gánh Nam Đồng Ban với nữ nghệ sĩ Năm Phỉ nổi tiếng trong vở “Tham phú phụ bần”. Gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho với các nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há, Năm Châu, Ba Du. “ (3) Sau này gánh hát Tân Thịnh do ông Năm Thông lên Saigon lập ra năm 1920 gọi là “Đoàn hát cải lương Tân Thịnh”. Lúc này từ cải lương không còn phạm húy bản quyền, nên ông Năm Thông đã dùng để chỉ tên gọi chung cho ngành sân khấu mới (5). Đến cuối thập kỷ 1920 thì cải lương thay thế hát bội truyền thống ở vị trí chính trong nghệ thuật trình diễn sân khấu miền Nam. Năm 1929, để chuẩn bị cho triễn lãm Hội chợ thuộc địa quốc tế (Exposition Coloniale internationale de Paris) năm 1931 ở Paris, một ủy ban do thành phố Saigon thành lập để phối hợp tổ chức cho gian hàng Nam kỳ, đã chọn ông Gruet, kiến trúc sư thành phố thiết kế, và chọn chùa “Bà Lụa” chùa làng Phú Cường ở Thủ Dầu Một là đại diện kiến trúc Nam Kỳ. Ngoài ra để thu hút sự chú ý người xem, ngoài Hát bội, Ủy ban cũng chọn nghệ thuật sân khấu mới (Théâtre modern, théâtre reformé, hay théâtre rénové) “Cải Lương” đưa ra trình diễn ở Hội chợ thuộc địa năm1931 (16). Như vậy từ khi hát bội được coi là nghệ thuật sân khấu chính đại diện cho Nam kỳ ở hội chợ thế giới Paris 1889, và sau đó là nhạc tài tử và hát bội ở Hội chợ thế giới Paris 1900, Hội chợ thuộc địa Marseille 1906, 1922 cho đến sân khấu Cải Lương ở hội chợ Paris vào năm 1931 thì sự tiến hóa của sân khấu nghệ thuật từ hát bội đi đến hình thành sân khấu Cải Lương đã hoàn tất. Hình 22: Các nghệ sĩ cải lương bay máy bay lần đầu ở Hội chợ thuộc địa Paris (vườn Bois de Vincennes) 1931 (nguồn http://nguyentl.free.fr/html/photo_expo_universelle_fr.htm) Hình 23: Đoàn cải lương Phước Cương ở hội chợ thuộc địa Bois de Vicennes, Paris 1931, trong đó cô đào chính Năm Phỉ, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Tám Danh diễn trong vỡ “Sĩ vân công chúa”, dựa trên truyện “Tristan et Isolde” (nguồn http://nguyentl.free.fr/html/photo_expo_universelle_fr.htm) Nếu Hát bội mang đến, gợi cho người xem qua các tuồng các lý tưởng, đạo đức cao cả ca tụng đức hạnh anh hùng, long ái quốc, sự trung thành, can đảm… thì Cải lương thêm vào đó yếu tố tình yêu, tình cảm, hoàn cảnh xã hội: đau buồn hay khôi hài phản ảnh đời sống thực tại của xã hội người xem. Vì thế ta không lạ gì tại sao cải lương đã trở thành phổ thông và được ưa chuộng trong khắp các tầng lớp xã hội Nam kỳ lúc đó. Nếu hát bội là do đa số hay hầu hết các nghệ sĩ nam đóng thì ngược lại trong cải lương thì các diễn viên nữ là chính, trọng tâm của tuồng cải lương, các cô đào là “tài sản” trụ cột của đoàn cải lương. Trên báo “L’Ère Nouvelle” số 7/9/1926, có đăng quảng cáo như sau: “ Chronique de Saigon “DONG BAO NAM » Décidément, la Troupe théâtrale «Cai-Luoug Dong-Bao-Nam» va de succès en succès nombre des spectateurs augmente sensiblement tous les jour.-'. Nous ne saurons mieux faire que de féliciter vhenicnt les Directeurs de la Troupe, — qui savent si bien choisir ses acteurs et ses actrices qui connaissent vraiment leur métier en ne rien offrant public je puisse lui déplaire. Et ce n'est qu'avec beaucoup de regrets que nous apprenons son prochain depart pour Cholon. Nous engageons donc les Amateurs de Cai-Luong Cholonnais de ne pas laisser échapper une si belle occasion qui leur permettra de réjouir sûrement leur regard et leurs sens. E. N. “ Để ý là báo “L’Ère Nouvelle” dùng chữ “amateurs de Cai-Luong Cholonnais” để chỉ những người hâm mộ Cải Lương (7). Gánh cải lương Đồng Bào Nam là do Cô Tư Sự ở Mỹ Tho thành lập năm 1919, sau ban cải lương của thầy Năm Tú, với bảng hiệu “Gánh hát kim thời Đồng bào Nam Mỹ Tho” (5).. Khác với gánh cải lương của thầy Năm Tú thuộc dòng cải lương tuồng cổ, thì gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự là dòng cải lương tân thời với những sự việc gần với đời sống của người dân, cải lương đề tài cuộc sống mới. Người soạn giả viết nhiều cho đoàn cải lương Đồng Bào Nam là Nguyễn Phong Sắc. Tác giả Nguyễn Phong Sắc, người đầu tiên có hướng đổi mới sân khấu cải lương, khai sinh ra hình thức cải lương đương đại, lên tiếng bệnh vực phụ nữ (5) Trong thập niên 1920, cải lương phát triển rộng rãi và nhiều ban cải lương được thành lập ở Saigon và các tỉnh. Các gánh cải lương đi nhiều nơi trình diễn ở miền Nam. Như câu chuyên dưới đây về cô đào cải lương, gánh cô có đi xuống Cần Thơ trình diễn. Trên báo “L’Ère nouvelle” (Nhựt Tân báo) số ngày 25/2/1929 có câu truyện về một cô đào Cải Lương do một người Pháp tên là Bernardoni kể: đó là câu chuyên bi thương về mối tình và cuộc đời của Thi-Hai với một thầy giáo. Trong số báo ngày 18/02/1927, có quảng cáo các dĩa cải lương của gánh hát Tân Thịnh, thầy Năm Tú và Văn-hí-Ban như sau: “DĨA HÁT ! MÁY HÁT ! XE MÁY ĐẠP !” Theo kỳ tàu ngày 1er Décembre 1926 mới lại ít ngàn dĩa hát Văn-hí-Ban hiêu Victor hát kim sắt có nhiều tuồng thiêt hay như là: Phi-Long, Phần Đường, Tống-từ-Vân, Phụng-Kiêu, Kỳ duyên-Phổ, Ngũ hổ binh Nam, Xử tội Bàn-qui-Phi. vân vân, bán giá rẻ, mau mau mua kẻo hết, và cũng có dĩa hát bội Quản-lac, hiêu Victor có đủ thứ tuồng theo trong Mục-lục. Cũng có dĩa Tân-Thinh, thầy Năm Tú và Văn-hí-Ban, hiêu Pathé hát bằng kiêm ngoc thach. Máy hát đủ các hiệu như là: Argentin, Odéon, la voix de son maître, Victor, Pathé, có nhiều kiểu thiệt tốt coi rât đẹp giá bán từ 17$00,đồng cho đến 200$00 mỗi cái. Và cũng có trữ trên 1000 cái xe máy đạp như là hiệu: L. V. D., R. P. F. Saint-Etienne, Alcyon, Armor, Culmen, Perfecta, B. C. Sport, và đủ các thứ đồ phụ tùng, bán sỉ và bán lẻ, giá rẻ hơn các nơi. Le-Van-Du Hảng chánh ở đường Sabourain số 22-24 ngang hông chợ mới Saigon Tiệm ngánh ở đường Amiral Dupré số 19-21 Saigon. Adresse télégraphique: LêVanDu Cycles Saigon, Téléphone No 519. “ Như vậy theo như các thông tin ở trên thì các dĩa thương mại các tuồng hát bộ, cải lương của các gánh hát được sản xuất ở Pháp sau khi đã được ghi âm ở miền Nam. Sau đó các dĩa sản xuất bên Pháp được mang về qua tàu thủy về Saigon bán. Ngoài Saigon thì ở Chợ Lớn cũng có ban cải lương và các rạp hát cải lương. Ban cải lương Văn-hí-Ban ở Chợ Lớn là của thầy Mười Vui (4). Hai rạp cải lương được biết nhiều ở Chợ Lớn trong giai đoạn này là rạp Eden-Chợ Lớn và rạp Cô Tám. Rạp Cô Tám nằm ở đường “rue des Marins” (đường Thủy binh, trước 1975 là đường Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo nối dài). Như đã đề cập, rạp Cô Tám là rạp thứ hai, sau rạp Eden ở Saigon, có trình diễn vở kịch mô phỏng kịch hài phương Tây “Vì nghĩa quên nhà” của soạn giả Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh ngày 12-9-1917 (sau khi diễn ở rạp Eden ngày 11-9-1917). Vở tuồng này, cải tiến hát bộ với kịch phỏng theo cách diễn kịch của phương Tây và nhạc tài tử ca ra bộ, đánh dấu sự ra đời của Cải Lương. Trên báo “L’Ère Nouvelle” số 24/9/1928 có thông báo như sau về rạp Cô Tám ở Chợ Lớn: “Xin chú ý Kể từ ngày nay, thì rạp hát bóng của cô Tám ở tại Cholon đường Marins, M. Trần-kim mướn và chĩnh đốn trong rạp lại rất lịch sự và sạch sẻ trong ít ngày nữa đây thì sẻ hát nhiều tích rất hay và coi không có chói con mắt. Vậy mời quí ông quí bà dời gót đến xem chơi giãi muộn. Sau đây M. Trần-Kim kính cùng chư vị chủ gánh hát Cãi-lương đặng rỏ: chư vị muốn hát tại Cholon rạp cô Tám, xin đến thương nghị với M. Trần-Kim tại rạp Cô Tám; lúc này M. Trần-Kim sắp đặt và có sắm thêm ghế mây và sữa lại coi rất đẹp mắt TRẦN KIM, Cẩn Bạch “ Qua các thông tin từ báo chí như trên, ta có thể thấy được phần nào khung cảnh thương mại, kinh tế, xã hội ở Saigon và các tỉnh miền Nam trong những thập niên 1920, 1930 khi cải lương được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong quần chúng cho đền thời vàng son của cải lương ở thập niên 1930 và 1940. Tổng luận Trong bài này chúng tôi đã trình bày các khía cạnh mới trong lịch sử sân khấu hát bội, nhạc tài tử và cải lương mà nhiều tác giả chưa để ý đến. Hát bội đã gây kinh ngạc và thích thú cho công chúng Pháp năm 1889 và đã có ảnh hưởng đến một vài sáng tác của nhạc sĩ Debussy. Các hình ảnh các diễn viên hát bội năm 1889 ở Paris mà hiện nay còn lưu trữ được có thể được coi là những hình ảnh sớm nhất về nghệ thuật sân khấu hát bội ở Saigon và Nam Kỳ. Chỉ có giám đốc và soạn giả tuồng hát bội là được biết, ông Nguyễn Ngọc Trụ, còn các diễn viên khác hiện chưa được biết rõ. Một vài chi tiết chúng tôi đã tìm ra là ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều đã qua Pháp trình diễn ở Marseille năm 1906 chứ không phải năm 1910, và rất có thể ban nhạc này cũng chính là ban nhạc tài tử do ông “Viang” hướng dẫn đã đến Paris năm 1900 và có trình diễn với cô Cléo de Mérode trong vỡ múa hát “La Bague enchantée”. Các hình ảnh của ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều cũng đã được trình bày trong bài. Chúng tôi cũng đề cập đến khung cảnh xã hội, kinh tế trong thời kỳ đầu phát triển cải lương vào thập niên 1920 và vai trò của ông Nguyễn Phong Cảnh trong thuở ban đầu của lịch sử nhạc tài tử. Hy vọng bài đã đóng góp một vài khía cạnh mới trong sự nghiên cứu về lịch sử hát bội, nhạc tài tử và cải lương ở miền nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Chú thích: (1) Đây chính là đàn cò (“violon à deux cordes”), còn đàn Huyền được dịch là “harpe à une seule corde”, đàn kìm là “le Kim” hay “guitar à quatre cordes”, đàn tranh (“guitar à seize cordes”). (2) Theo giáo sư Hue Tam Ho Tai trên Vietnam Study Group (VSG) mailing list (9/10/2012) cho tác giả biết, thì các vua Đường đều có họ Lý và nhân vật vua trong tuồng “Roi du Duong” là Đường Minh Hoàng. (3) Chúng tôi nhận được sự giúp dỡ của cô Mai Mỹ Duyên đã đi xuống Mỹ Tho tìm hậu duệ của ông Nguyễn Tống Triều để biết thêm thông tin nhưng không thành cộng Cô cho biết là hình ông Nguyễn Tống Triều có trong sách của ông Trần Văn Khải và khẳng định được hình trong sách giống như hình ông Triều trong tấm hình này. (4) Theo B. Marcel (27) thì truyện “La Bague enchantée” là dựa vào câu chuyện truyền thuyết “Vorvong và Sauvirong” do Ausguste Pavie đầu tiên dịch từ tiếng Khmer ra tiếng Pháp. Pavie là nhà thám hiểm và ngoại giao đã nhiều lần thám hiểm Cam Bốt, Lào và sông Mekong trong các công tác của phái bộ Pavie (“Missions Pavie”) do thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers trao cho ông Pavie lãnh đạo thám hiểm các vùng ở lưu vực sông Mekong (5) Ange Michel Filippini là thống đốc Nam Kỳ năm 1886-1887. Ông khuyến khích phát triển thương mại giữa Pháp và Nam Kỳ, Cam Bốt trong giai đoạn đầu khi Pháp thiết lập thuộc địa ở Đông Dương. (6) Sabourain là chủ đồn điền cà phê và cao su ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Theo Niên giám Đông Dương 1908 thì ông bà Mme et M. Sabourain ở số nhà 21 đường Filippini làm nghề nhân viên phục vụ (huissier), sau này ông trở thành chủ đồn điền cà phê và cao su, rất giàu có. Lúc này chợ Saigon (còn gọi là chợ Mới hay chợ Bến Thành ngày nay) chưa xây. Sau này khi chợ xây xong năm 1914, đường hai bên hông chợ Mới được thành lập (và đường song song với Filippini ngang hông chợ được đặt tên là đường Sabourain) và đường Batavia không còn (đường Batavia nằm ở vị trí quảng trường Quách Thị Trang ngày nay, nối với Boulevard Bonnard). Ông Gustave Sabourain đã đến Nam Kỳ từ cuối thế kỷ 19. G, Sabourain là hội viên và là thư ký của Hội tam điểm (Loge maçonnique, “Reveil de l’Orient”), có trụ sở ở số 17 rue d’Espagne (theo “Annuarie de Indochine française”, năm 1897) sau này dời đến số 38 rue Taberd (Nguyễn Du ngày nay). Đường Sabourain trở thành nơi có cửa hàng buôn bán tấp nập cho đến ngày nay. Trong thập niên 1920, nhà in Tin-Đức thư-xã ở số 37-38-39, Rue Sabourain đã xuất bản nhiều sách tiểu thuyết như tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên, Tần Dân Tử… là những tác phẩm của thuở ban đầu trong văn học quốc ngữ Việt Nam và sau này các truyện Tàu như Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Nhạc phi diễn nghĩa và các sách Pháp về kinh tế, khoa học, báo cáo của các cơ quan chính phủ… trong các thập niên 1930, 1940, 1950. Cũng trên đường này có nhà sách nhà xuất bản Tủ sách "Học làm người" của ông Phạm văn Tươi, số 16 Sabourain khoảng năm 1949-1950 (trước đó là nhà sách Nguyễn Khánh Đàm) (7) Theo tự vị Phalangsa-Annam (Lexique Franco-Annamite) của Ravier và Dronet xuất bản năm 1903 (15) thì từ “amateur” được dịch là “Kẻ thích sự gì riêng”. Điều này có nghĩa là từ tiếng Pháp “amateur” ở thời điểm đầu thế kỷ 20 không có nghĩa là “kẻ không chuyên nghiệp”. Tham khảo (1) Pierre Nicolas, Notices sur l'Indo-Chine, Cochinchine, Cambodge, Annam, Tonkin, Laos, Kouang-Tchéou-Ouan / publiées à l'occasion de l'Exposition Universelle de 1900 sous la direction de M. Pierre Nicolas (18..-19.. ; commissaire de l'Indo-Chine), impr. de Alcan-Lévy (Paris), 1900 (2) Exposition universelle de 1900. Publications de la Commission chargée de préparer la participation du ministère des colonies. Les Colonies françaises, A. Challamel (Paris), 1900-1901. (3) Trần Quang Hải, Nguồn gốc cải lương, http://tranquanghai.info/p3176-tran-quang-hai-%3A-nguon-goc-cai-luong.html (vào link ngày 22/11/2012) (4) Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát, Năm mươi năm cải lương, Nxb Trẻ, 2007. (5) Tuấn Giang, Ca nhạc và sân khấu cải lương, NXB Văn hoá dân tộc 1997. (6) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1991 (7) Vương Hồng Sển, Sàigòn Tạp pín lù, Nxb Văn Hóa, 1997 (8) Trần Văn Khê, Hồi ký Trần Văn Khê tập 2 – Đất khách quê người, Nxb Trẻ, 2001. (9) L’Ère Nouvelle, Mardi 7 Septembre 1926, Première Année, No. 7., 112 rue d’Espagne, Saigon. (10)Saigon news, Straits Times Weekly Issue, 5 October 1887, Page 12 (11)Annuaire de l'Indo-Chine française, 1re partie: Cochinchine et Cambodge, 1897. (12)Émile Blavet, Le Theatre annammite, in “La vie parisienne : (1889); préface d'Abel Peyrouton”, P. Ollendorff (Paris), 1890, pp. 158-162 (13)Arthur Pougin, Le théâtre à l'Exposition universelle de 1889: notes et descriptions, histoire et souvenirs. Fischbacher, Paris, 1890., pp. 89-99 (14)Ravier (Cố Khánh), Donier (Cố Ân) (Missionaries apostoliques au Tonkin occidental), Lexique Franco-Annamite – Tự vị Phalangsa – Annam, Kẻ Sở, Imprimerie de la mission, 1903. (15)L'Eveil économique de l'Indochine, Bulletin hebdomadaire, Hanoi 04/09/1927 (Année 11, No. 534), p. 16. (16)Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aîné (Paris), 1869. (17)Henri Latour, Le Journal de la Jeunesse, Nouveau recueil hebdomadaire illustré, 1889, Deuxième semestre, Librairie Hachette et Cie., Paris, 1889, pp. 94-96. (18)Annegret Fauser, Musical Encounters at the 1889 Paris World's Fair, University of Rochester Press, NY, 2005. (19)Julien Tiersot, Notes d’ethnographie musicale, Libraire Fischbachee, Paris, 1906. (20)Schmitz, M. D., 1995. Oriental influences in the piano music of Claude Achille Debussy. Ann Arbor: University of Arizona Press. (21)Joseph Ferrière, Georges Garros, Alfred Meynard, Alfred Raquez, L' Indo-Chine 1906, publié sous les auspices du Gouvernement général de l'Indo-Chine, 1906. (22)Benedictus, Les musiques bizarres à l’Exposition, recueillies et transcrites, G. Hartmann et Cie, Paris, 1889. (23)Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993. (24)Huỳnh Ngọc Tráng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh, Saigon Gia Định xưa, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1996. (25)Maurice Talmeyr, La cité du sang: tableaux du siècle passé, Perrin (Paris), 1901. (26)Schmitz, M. D., 1995. Oriental influences in the piano music of Claude Achille Debussy. Ann Arbor: University of Arizona Press. (27)Arthur Pougin, Le théâtre et les spectacles à l’exposition universelle de 1900 (suite), Le Ménestrel, 24 fe’vrier 1901, Paris, pp. 60-61. (28)B. Marcel, Les Théatres à l’Exposition, Le Passe-Temps et Le Parterre Reunis, 28e année, No. 35, Dimanche 2 Septembre 1900, pp. 3-6. (29)Huỳnh Tịnh Paulus Của, Dictionaire Annamite, Đại Nam Quốc âm Tự vị, Saigon, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 4 rue d’Adran, 1895. |
Tuesday, January 22, 2013
Hát bội, đờn ca tài tử và sự hình thành cải lương từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20
Hát bội, đờn ca tài tử và sự hình thành cải lương từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20
( phần 1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
Cám ơ n b á c Linh v á t á c gi ả , c ô ng tr ì nh v à c ố g ắ ng tuy ệ t v ờ i đ ể l ư u tr ử h í nh ả nh c á c di tích chi...
-
Subject: 60 tấm ảnh màu đẹp nhất của đường phố Sài Gòn thập niên 1960-1970. 60 t ấ m ả nh m à u đ ẹ p nh ấ t c ủ a đ ườ n...
-
Nh ữ ng b ứ c v ẽ z ướ i ni d ượ c ho ạ b ằ ng m à u fa n ướ c (water color pain...
-
HUẾ 1968 - TẾT MẬU THÂN Thưa qu’I vị Những ngày của năm cùng tháng tận nơi quê người, lại nhớ đến những mùa Xuân khói lửa Chinh c...
-
Sau 3 chuyến leo núi kéo zài 11 ngày dầy thữ thách lớn lao, 3 tay leo núi Mỹ trẽ dã thành công chinh phục dược ngọn núi tuyết gọi là...
-
Những tấm hình đẹp càng nhìn càng ưa chuộng ! TTKh. From: Tung Pham Subject: Những tấm hình càng ngắm càng thích ! ...
-
Những dịa diễm dược khách zu lịch chiếu kố nhiều nhất trên thế zới World’s Most Visited Tourist Attractions Whe...
-
Amazing Collection of Beautiful Places and Spaces Our planet is far more impressive than we could imagine. It has the po...
-
Hình Đẹp và Lạ... TTKh. From: nguoiphuongna Subject: HÌNH ÐẸP và LẠ ! Thân chuyển ...
My Blog List
-
-
-
-
-
-
-
-
-
https://www.facebook.com/reel/802490438523735 - https://www.facebook.com/reel/8024904385237354 months ago
-
-
-
BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP - https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa rpedn...1 year ago
-
-
-
-
Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái - From: *VUONG DANG* < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Sleepingon Your Left ...3 years ago
-
5 Kỷ Lục Thế Giới Dành Cho Ẩm Thực Việt Nam - WATCH LIVE NOW : NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA HOÀI AN [14 Ca Khúc] (Super HD Videos) https://www.youtube.com/playlist?list=PLNBxCTIUVE70m607mVC5vUdM...4 years ago
-
-
Thân chào bác VULEP...Chúc bác luôn vui khoẻ!
ReplyDelete