Sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược an ninh
sang khu vực Thái Bình Dương của Mỹ được Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên
bố chính thức vào tháng 11 năm ngoái và tái khẳng định nhiều lần trong thời
gian gần đây bởi chính Tổng thống Obama cũng như Ngoại trưởng Hilarry
Clinton. Khẳng định của Mỹ diễn ra đồng thời với thời điểm Washington cần tập
trung nhiều hơn vào việc đối phó với những khó khăn của nền kinh tế nội địa.
Nhưng thực tế, sự chuyển dịch trọng tâm này là điều không thể tránh khỏi
trong chiến lược lâu dài của Mỹ. Khẳng định việc tăng cường sự hiện diện của
Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương càng làm cho những tranh chấp về chủ quyền
trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trở nên nóng bỏng hơn.
Vai trò của Mỹ đối với sự ổn định trên Biển
Đông
Hải quân Mỹ đã duy trì sự hiện diện trên
Biển Đông từ nhiều thập kỷ qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Hải quân
và Không quân Mỹ đóng vai trò khá quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng
hải tại Biển Đông, điều này cho phép vận tải hàng hóa qua Biển Đông an toàn
và đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đây là đóng
góp có tính tích cực thực sự mà Mỹ đem lại cho thế giới.
Ngoại trưởng
Mỹ: "Châu Á là động lực chính của chính trị toàn cầu và rất quan trọng
với Mỹ"
Sự thờ ơ của Mỹ với khu vực Biển Đông trong
một thời gian dài đã tạo khoảng trống cho Trung Quốc củng cố và mở rộng ảnh
hưởng tại đây. Nhưng sự trỗi dậy của bất kỳ cường quốc mới nổi nào cần được
theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khi trỗi dậy này kéo theo cuộc chạy đua quân sự
và xung đột tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Thậm chí với cả Nhật Bản và
Hàn Quốc, những đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Á, cũng đang ra sức hiện
đại hóa các hạm đội không quân và hải quân với những trang thiết bị tối tân
nhất. Một điều hiển nhiên, các nước nằm ở vị trí quanh Biển Đông đang rơi vào
cuộc chạy đua vũ trang, điều này làm phức tạp thêm tình hình an ninh hàng hải
khu vực. Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đã tạo nên sự cân bằng, tương quan
lực lượng giữa các nước lớn-nhỏ trong khu vực và kiềm chế khả năng Trung Quốc
dùng sức mạnh của mình để lấn át các nước nhỏ hơn.
Nếu Mỹ không quay trở lại khu vực Thái Bình
Dương sẽ gây ra nguy hại cho trật tự quân sự đa cực trên Biển Đông do những
căng thẳng chính trị và kinh tế trước đó. Hệ thống quân sự đa cực càng trở
nên bất ổn hơn lưỡng cực và đơn cực vì có nhiều sự tương tác hơn giữa các cực
với nhau và phát sinh nhiều toan tính sai lầm hơn bởi mỗi quốc gia đơn lẻ đều
tự điều chỉnh cân bằng quyền lực để có lợi hơn cho mình. Sức mạnh quân sự Mỹ
tại Biển Đông không chỉ tạo ra sự điều chỉnh phù hợp với sự trỗi dậy hòa bình
của Trung Quốc mà còn để ổn định khu vực với sự gia tăng tiềm lực quân sự của
các nước. Nếu sức mạnh của Mỹ bị suy yếu thì quan hệ giữa Trung Quốc, Ấn Độ
và các cường quốc khác có thể trở nên hiếu chiến hơn bởi vì trong thời điểm
hiện tại, lợi ích của tất cả các nước về lưu thông tại khu vực Ấn Độ-Thái
Bình Dương đều do sự đảm bảo an ninh của Hải quân và Không quân Mỹ.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
Biển Đông liên quan với Trung Quốc dưới
nhiều góc độ: địa lý, lịch sử, tài nguyên và nhất là việc đảm bảo các tuyến
đường vận tải biển. Các tuyến đường hàng hải qua eo Malacca có ý nghĩa sống
còn với nước này vì đây là tuyến đường huyết mạch cung cấp năng lượng cho nhu
cầu khổng lồ của Trung Quốc.
Nếu như đường biển này bị phong tỏa chỉ một ngày
thì xã hội Trung Quốc ngay lập tức sẽ rơi vào tình trạng bất ổn.
Theo đó, chính sách của Trung Quốc đối với
Biển Đông là tránh đụng độ, dùng “sức mạnh mềm” để kiểm soát các lợi ích của
Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Trong khi nền kinh tế Mỹ đang gặp phải
khủng hoảng trầm trọng thì tiềm lực kinh tế dồi dào của Trung Quốc vào thời
điểm hiện tại đang là vũ khí lợi hại để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng với các
nước ven Biển Đông.
Thông qua con đường tăng cường sự ràng buộc về kinh tế,
Trung Quốc tìm cách dịch chuyển cán cân lực lượng nghiêng theo phía mình để
dần đẩy Mỹ ra xa khu vực Biển Đông. Điều này nhằm thiết lập ảnh hưởng lên các
nước khác trong khu vực, khiến các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Trung
Quốc và loại trừ khả năng liên kết với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Tàu sân bay
Liêu Ninh của Trung Quốc
Không chỉ tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu
vực xung quanh Biển Đông mà Trung Quốc còn mở rộng tầm ảnh hưởng ra xa hơn,
lan tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi được cho là khu vực mà Mỹ đang nỗ
lực thiết lập một vành đai để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Với việc
giúp đỡ các nước khu vực duyên hải Ấn Độ Dương xây dựng các cảng biển hiện
đại nhất, từ Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan tới Kenya, Trung Quốc
ngày càng tạo ra sự gắn bó lợi ích chặt chẽ hơn với các nước này.
Tất cả các
dự án này được đưa ra là để phục vụ cho các mục đích thương mại đơn thuần và
được tài trợ bởi chính các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một vài
trường hợp việc tài trợ xây dựng các cảng không thực sự phục vụ cho mục đích
thương mại. Ví dụ như cảng Gwadar tại Pakistan, được xây dựng ở khu vực đang
bất ổn chính trị khiến cho việc đưa vào sử dụng gặp phải phiền toái.
Có thể
nhận thấy, bước đi của Trung Quốc cũng giống như tất cả các cường quốc trước
đây, trước tiên là mở rộng phạm vi ảnh hưởng, sẵn sàng thông qua đầu tư mạo
hiểm để thiếp lập quan hệ sau đó tăng cường ảnh hưởng về kinh tế, chính trị
và quân sự.
Những vấn đề xảy ra trong nội tại xã hội
Trung Quốc do sự phát triển kinh tế quá nóng có thể làm hạn chế chính sách
bành trướng của Trung Quốc. Nhưng điều này chưa hẳn đã kìm bước Trung Quốc
trên con đường tiếp tục hiện đại hóa quân sự và hải quân để củng cố ý đồ vươn
ra Biển Đông. Vì vậy, Mỹ bị đẩy vào tình huống bị ép buộc phải đối phó với sự
gia tăng nhanh chóng về tiềm lực kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
Áp lực với Mỹ
Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 phát đi
tín hiệu về sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, khi đó các
chuyên gia an ninh đã đưa ra nhận định về sự chuyển hướng trong chính sách
ngoại giao và sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương. Nhưng cuộc chiến xâm lược
Kuwait của Saddam Hussein năm 1990 đã khiến mối bận tâm của Mỹ với khu vực
Trung Đông kéo dài hàng thập kỷ.
Quân đội Mỹ phải triển khai chiến dịch trên
mặt đất chống lại Iraq trong năm 1991 và lực lượng Hải Quân và Không quân Mỹ
phải duy trì để áp dụng vùng cấm bay những năm tiếp sau đó. Tiếp đến, sự kiện
11/9 đẩy chính quyền Bush lao vào cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq như một
động thái đáp trả. Sau một thập kỷ bị sa lầy ở Trung Đông, cuộc chiến cũng đi
đến hồi kết và hậu quả là Mỹ trở nên “tương đối cô lập” và quan hệ giữa Mỹ
với các đồng minh thân cận cũng bị rạn nứt.
Vai trò của Mỹ ở nhiều khu vực bị
suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu vực được cho là lợi ích chiến
lược của Mỹ như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong 8 năm dưới sự điều hành
của chính quyền Tổng thống Bush, Mỹ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cho sựu quay trở
lại khu vực và việc gần đây Mỹ bày tỏ quyết tâm dành nhiều nỗ lực tập trung
vào trung tâm của kinh tế toàn cầu - khu vực châu Á -Thái Bình Dương đòi hỏi
Mỹ cần có nhiều động thái chứng tỏ cam kết của mình.
Trung Quốc
đang ra sức bành trướng trên Biển Đông
Nhưng hiện tại, vai trò của Mỹ tại Biển Đông
đang đối mặt với nhiều thách thức: sự trỗi dậy của Trung Quốc với sức mạnh
tổng lực – có vị trí tiếp giáp với Biển Đông và các nước ven bờ khác; sức
mạnh kinh tế khiến Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của hầu hết
các nước quanh Biển Đông; và hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng được hiện
đại hóa.
Bắc Kinh đang đầu tư vào tàu ngầm, tên lửa hành trình và không gian
vũ trụ và chiến tranh điện tử như một phần của kế hoạch xây dựng quốc phòng.
Có thể nói, Trung Quốc không hề có ý định
tiến hành một cuộc chiến với Mỹ nhưng sự đầu tư này của Trung Quốc đang gây
nhiều trở ngại cho Mỹ tại thời điểm khủng hoảng kinh tế. Với chính sách “bành
trướng” của Trung Quốc tại Biển Đông, đang gây ảnh hưởng tới quyền chủ quyền
của các nước như Việt Nam, Malaysia, Phillipines và Singapore, tất cả các
nước này đều là đồng minh chính thức hoặc đối tác quan trọng với Mỹ.
Đường
“lưỡi bò” của Trung Quốc gần như “liếm” hết diện tích Biển Đông, không chỉ
xâm lấn tới chủ quyền của các nước ven Biển Đông mà còn ảnh hưởng tới lưu
thông hàng hải quốc tế, đặc biệt là các hoạt động hằng hải truyền thống của
Mỹ tại vùng biển này.
Tất nhiên, chính sách ngoại giao của Mỹ đã
để mắt nhiều hơn tới các động thái này của Trung Quốc trong những năm qua,
nhưng các nhà ngoại giao Mỹ có thể bị coi là thiếu sự tin cậy nếu họ không
được hỗ trợ bởi sự tăng cường hiện diện quân sự trong tương lai.
Chính vì
thế, trọng tâm chiến lược được đưa ra là: Mỹ không có ý định rời bỏ hải quân
tại châu Á trong thời điểm họ cần đến. Bởi vậy, một quan chức ngoại giao cấp cao
của một nước Biển Đông đã nói rằng nếu Mỹ có ý định rút một tiểu đoàn máy bay
chiến đấu khỏi khu vực thì sẽ có sự thay đổi về người làm chủ trong cuộc chơi
tại đây, đẩy các nước nhỏ trong khu vực tới chỗ bị bức bách.
Bước đi đối phó của Mỹ với Trung Quốc
Ý đồ đưa châu Á trở thành trọng tâm trong
chiến lược của Mỹ đã có cách đây hàng thập kỷ - điều này thể hiện rõ trong
chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ năm 1972. Một khi
Mỹ giảm bớt những bận tâm vào cuộc chiến ở Trung Đông sẽ cho phép giới quan
chức Mỹ rảnh rang hơn để thực hiện các mục đích ở nơi khác và Biển Đông sẽ
nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ Mỹ.
Những động thái gần đây của Mỹ đã chứng tỏ
rõ điều này. Những đề nghị và hứa hẹn mà Washington đưa ra với Myanmar và các
kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Australia hay Philippines là một động thái chính
trị và quân sự khẳng định sự quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của
Mỹ. Ngoại trưởng Clinton sẽ không tiếp tục chấp nhận quan niệm coi Myanmar
đơn giản chỉ là một vệ tinh của Bắc Kinh.
Còn Australia, một quốc gia nằm ở
vị trí giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ có 23 triệu dân
nhưng sẽ nâng chi tiêu quân sự lên mức 279 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới cho
trang thiết bị và hiện đại hóa tàu ngầm, máy bay chiến đấu và các trang thiết
bị hạng nặng khác.
Australia có thể trở thành đồng minh quan trọng nhất của
Mỹ trong thế kỷ 21, hơn cả Anh, nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong
thế kỷ 20.
Nhà lãnh đạo
dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi tại cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Barack
Obama ở Nhà Trắng
Báo cáo của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ
(CNAS) đưa ra nhận xét: “Mỹ cần xây dựng một mạng lưới các nước đối tác trong
khu vực làm đối trọng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc trong khu vực.
Việt Nam, Philippines là các nhân tố chính. Nếu Việt Nam không dám đương đầu
với Trung Quốc thì các nước yếu hơn như Philippines sẽ không thể nào dám
đương đầu với Trung Quốc.
Nếu sức mạnh của Mỹ suy giảm, Việt Nam không có lựa
chọn nào khác là phải sống chung với Trung Quốc”. Mỹ đánh giá Việt Nam có vai
trò quan trọng hàng đầu với Trung Quốc tại Đông Nam Á vì Việt Nam án ngữ ở bờ
Tây của Biển Đông và có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, với dân số 87
triệu người, với tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Quan hệ quân sự Việt - Mỹ từ
chỗ là kẻ thù trong chiến tranh, hiện đang ấm dần lên, với việc hải quân hai
nước thường xuyên có các hoạt động giao lưu thường kỳ để tăng cường hiểu biết
và phía Việt Nam tạo điều kiện cho phép tàu hải quân Mỹ tiến hành việc tìm
kiếm quân nhân mất tích trong vùng lãnh hải Việt Nam tại Biển Đông.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sự thay đổi
trọng tâm chiến lược của Mỹ không hoàn toàn là để ngăn chặn Trung Quốc.
“Chính sách ngăn chặn” là một khái niệm đặc trưng trong thời kỳ Chiến tranh
lạnh chỉ các chính sách thù địch Mỹ đưa ra để đối phó với Liên Xô. Quan hệ Mỹ
- Trung Quốc thời điểm hiện tại lại hoàn toàn khác biệt, đang có hàng chục
nghìn sinh viên và nhân viên điều hành các tập đoàn Mỹ có mặt tại Trung Quốc
chứng kiến sự đa dạng và sâu rộng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên,
sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Mỹ phải xích lại gần hơn với
các láng giềng của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của chính Mỹ trên Biển Đông.
Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn
trong khi các nền kinh tế có sức sống nhất thế giới nằm ở châu Á-Thái Bình Dương
và thực lực kinh tế đang dần chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông nên
Mỹ sẽ làm hết sức để bảo vệ lợi ích của mình.
Cùng với đó, Mỹ cũng được các
nước trong khu vực chào đón vì sự xuất hiện với vai trò gìn giữ hòa bình và
ổn định cũng như có vai trò trong sự phát triển về kinh tế, xã hội và chính
trị của các nước trong khu vực, làm giảm bớt các lo ngại về sự bành trướng
của Trung Quốc với Biển Đông. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc
tại Biển Đông là điều đang diễn ra và chắc chắn sẽ ngày một mạnh mẽ hơn, các
nước tại khu vực sẽ cần có những bước đi hợp lý để tránh rơi vào tình trạng
“nhất biên đảo”, nghĩa là không dựa vào một bên để chống một bên.
Chiến lược tái cân bằng của Mỹ
và tranh chấp tại Biển Đông
Chiến lược tái cân bằng của Mỹ đang mang lại
một diện mạo mới cho tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời cạnh tranh giữa các
cường quốc càng khiến cho nhiệm vụ của ASEAN trở nên phức tạp hơn.
Lời bình luận
Chính quyền Obama đã và đang tái tập trung
ngoại giao và lực lượng quân sự hướng về Châu Á-Thái Bình Dương như một phần
của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ quân sự
về chiều sâu với Phi-líp-pin, Mỹ đã tuyên bố vào cuối năm 2011 việc thiết lập
hiện diện luân phiên 2500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Úc và triển khai
lực lượng bốn tàu tuần duyên LCS tại Xinh-ga-po.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon
Panetta cũng tuyên bố rằng Mỹ triển khai 60% lực lượng hải quân tới Thái Bình
Dương. Chiến lược tái cân bằng của Mỹ đang mang lại một diện mạo mới cho
tranh chấp tại Biển Đông.
Chính sách của Mỹ tại Biển Đông
Theo truyền thống, Mỹ thường không sẵn sàng
tham gia vào vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. Thật vậy, nước này liên tục
tuyên bố rằng những vùng lãnh thổ do Phi-líp-pin yêu sách không nằm trong
phạm vi điều chỉnh của Hiệp định phòng thủ chung ngày 30/8/1951 ràng buộc Mỹ
và Phi-líp-pin. Mỹ chỉ tập trung ở vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải và đảm
bảo cho sự di chuyển của Hạm đội 7.
Song, cuộc đụng độ giữa tàu giám sát biển
Impeccable của Mỹ với lực lượng hải quân Trung Quốc và các tàu tuần tra dân
sự phía Nam đảo Hải Nam hồi tháng 9/2009 đã gây ra quan ngại nghiêm trọng đối
với Oa-sinh-tơn. Phía Bắc Kinh lên án rằng Impeccable đang tiến hành nghiên
cứu khoa học biển tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trong khi hoạt
động này cần phải có sự chấp thuận của nước này. Trong khi đó, Oa-sinh-tơn
lập luận rằng các hoạt động của tàu giám sát là chính đáng theo nguyên tắc tự
do hàng hải.
Lập trường của Mỹ tại Biển Đông đã không có
nhiều thay đổi cơ bản kể từ vụ việc Impeccable. Oa-sinh-tơn vẫn không thể
hiện lập trường nghiêng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và tiếp tục hạn
chế lợi ích cốt lõi ở vấn đề tự do hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp.
Hơn nữa, Mỹ ngày càng tỏ ra quan tâm tới việc Trung Quốc nâng cao năng lực
hải quân và không cảm thấy yên tâm với cam kết của Trung Quốc về nguyên tắc
tự do hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp.
Ngoại giao chủ động của Mỹ
Tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng
Quốc phòng Robert Gates tuyên bố rằng Oa-sinh-tơn không đứng về bên nào trong
tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên, Mỹ phản đối bất cứ hành động nào đe dọa tự
do hàng hải tại Biển Đông. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010 đã thể hiện Mỹ có lợi ích quốc
gia về tự do hàng hải tại Biển Đông, điều này đã khiến Trung Quốc giận dữ.
Bắc Kinh coi những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ giống như một hành động can
thiệp từ bên ngoài. Bà Clinton một lần nữa lại đề cập tới Biển Đông tại Hội
nghị ARF tại Bali tháng 7/2011, khi đó, bà khuyến khích ASEAN và Trung Quốc
sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử về vấn đề này.
Bản thân Tổng thống Obama đã đẩy vấn đề Biển
Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Bali vào tháng 11/2011. Ông đã
khẳng định lại rằng Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp nhưng lợi
ích của Mỹ bao gồm tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở trong vùng
biển nửa kín này.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phản ứng qua việc khẳng định
nguyên tắc tự do hàng hải và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp tại
Biển Đông.
Sau khi Việt Nam và In-đô-nê-xi-a nắm vai
trò chủ tịch ASEAN, các nước tiếp theo giữ vai trò chủ tịch luân phiên thường
niên là Cam-pu-chia, Bru-nây và My-an-ma, là các quốc gia được cho là sẽ đi
theo Bắc Kinh bằng cách hạn chế tối đa việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Điều này đã từng có tiền lệ tại Hội nghị Bộ
trưởng ASEAN (AMM) được tổ chức tại Cam-pu-chia tháng 7/2012 khi các quốc gia
Đông Nam Á thất bại khi không thông qua được bản tuyên bố chung do những khác
biệt quan điểm về Biển Đông. Mặc dù có mặt trong Hội nghị ARF diễn ra ngay
sau đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc coi chiến lược tái cân bằng của
Mỹ như là một nỗ lực bao vây sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc tại Châu Á.
Từ quan điểm của Trung Quốc, Oa-sinh-tơn đang cố gắng bao vây Trung Quốc bằng
cách tăng cường các mối quan hệ đồng minh song phương và triển khai nhiều
quân lính và tiền của tới khu vực này. Đặc biệt, Mỹ đang thúc đẩy việc can
thiệp ở Biển Đông, do đó can dự vào những vấn đề mà Bắc Kinh coi là song
phương với các bên yêu sách Đông Nam Á. Trung Quốc cũng nhận định những hoạt
động gần đây của Phi-líp-pin tại các vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như trong
vụ bãi cạn Scarborough năm 2012, chịu sự ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn.
Trung Quốc và Mỹ tìm cách ngăn chặn khả năng
quân sự hóa các tranh chấp. Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn coi Biển Đông là một vấn
đề cần một giải pháp ngoại giao thay vì sử dụng quân sự, và ít nhất trong
thời điểm hiện nay, hai nước này đều sẵn sàng để ASEAN định hướng quá trình
quản lý xung đột.
Tuy nhiên, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh đều không
đồng thuận về việc tranh chấp Biển Đông nên được bàn thảo ở cấp độ nào. Mỹ
muốn vấn đề này được đặt ra tại các diễn đàn quốc tế, tuy nhiên, điều này vẫn
là vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh càng ngày càng quan tâm tới bất cứ
các nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp, thay vào đó, nước này muốn thảo luận các
vấn đề theo kênh song phương với từng bên yêu sách Đông Nam Á yếu thế hơn. Do
đó, cuộc đối đầu và cạnh tranh giữa các cường quốc tại Biển Đông càng khiến
cho nhiệm vụ của ASEAN trở nên phức tạp hơn trong tương lai.
Tiến sỹ Ralf
Emmers là Giáo sư liên kết và Điều phối Chương trình Chủ nghĩa đa phương và
khu vực hóa tại trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam (RSIS), Trường Đại học công
nghệ Nanyang.
Theo RSIS
**************************************************************************************************
-
Mỹ đang hiện thực hóa tuyên bố dồn 60% nguồn lực hải quân đến châu Á-Thái
Bình Dương khi điều lượng lớn tàu chiến, hàng không mẫu hạm... đến khu vực
này. Diễn biến này khiến Trung Quốc cảm thấy đứng ngồi không yên.
theo pn
*****************************************************************************************************
Suy tính chiến lược của các nước lớn
trong cuộc đọ sức ở Biển Đông
Hàng loạt biện pháp của Trung Quốc tung ra trong vấn đề Biển
Đông đã thu hút sự chú đặc biệt không chỉ của Mỹ và Nhật Bản, mà còn của cả
Nga và Ấn Độ. Mỗi nước đều có suy tính chiến lược riêng trong cuộc đọ sức
giữa các cường quốc ở Biển Đông.
Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc chỉ tìm kiếm trở
thành một cường quốc trên đất liền, từ bỏ tham vọng trở thành cường quốc trên
biển, Trung Quốc sẽ không gây ra ảnh hưởng mang tính thực chất đối với địa vị
chủ đạo thế giới của Mỹ. Thứ nhất, về vị trí địa lý, Trung Quốc lớn mạnh trên
bộ cùng lắm chỉ trở thành một nước lớn ở khu vực châu Á, sức ảnh hưởng toàn
cầu của Trung Quốc không thể sánh với Mỹ.
Thứ hai, ảnh hưởng quân sự của
Trung Quốc sẽ bị hạn chế trên đất liền, không thể vươn xa ra đại dương, điều
này khiến Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ què, đồng thời cũng không tạo
thành mối đe dọa đối với ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Biển Đông.
Tuy nhiên,
nếu Trung Quốc thực hiện thành công tham vọng trở thành cường quốc trên biển,
Trung Quốc sẽ trở thành một gã khổng lồ đúng nghĩa, sẽ tạo thành mối đe dọa
nghiêm trọng đối với địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ. Gần đây, các động thái
của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hay quần đảo Điếu Ngư đã phản ánh rõ sự lo ngại
cao độ của Mỹ trước tham vọng trở thành cường quốc trên biển của Trung Quốc.
Có thể khẳng định rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp trên
Biển Đông, đối kháng Trung-Mỹ tại đây sẽ ngày càng quyết liệt.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, lực lượng
quân sự Nhật Bản tuy bị hạn chế, song không thể phủ nhận vị trí cường quốc
tại châu Á của Nhật Bản. Vì là hai nước gần nhau nên nỗ lực trở thành cường
quốc trên biển của Trung Quốc bị Nhật Bản coi là một mối đe dọa nghiêm trọng
từ bên ngoài.
Thứ nhất, Nhật Bản là một nước phụ thuộc nặng nề vào biển, nếu
Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông một lực lượng trên biển mạnh, đây là điều
Nhật Bản không thể chấp nhận.
Thứ hai, nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển
Đông thành công, Trung Quốc sẽ có ưu thế trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và
tất nhiên Nhật Bản sẽ thất thế trong cuộc tranh chấp này, đây cũng là điều
Nhật Bản không thể chấp nhận.
Gần đây, Nhật Bản đẩy nhanh xây dựng lực
lượng quân sự, đưa ra Sách trắng Quốc phòng nhằm vào Trung Quốc, không chịu
nhượng bộ trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và đổ thêm dầu vào ngọn lửa tranh
chấp Biển Đông, thực tế là nhằm cản trở các biện pháp phát triển lực lượng
trên biển của Trung Quốc.
Cùng với việc Trung Quốc từng bước thực hiện chiến
lược biển, cọ sát Trung-Nhật trong lĩnh vực an ninh trên biển sẽ ngày càng
gia tăng.
Hải quân Nga gần đây có kế hoạch tái xây
dựng một căn cứ hải quân tại cảng Cam Ranh của Việt Nam, dồn dập ký kết các
hợp đồng bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á, bán cho Việt Nam hàng loạt máy
bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống chống tên lửa.
Động
thái này đang gia tăng những nhân tố bất ổn mới cho việc giải quyết vấn đề
Biển Đông, đồng thời phản ánh mối lo ngại sâu sắc trước khả năng Trung Quốc
trở thành cường quốc biển.
Tuy Trung-Nga đã xây dựng mối quan hệ đối tác
chiến lược, song Nga không hề hy vọng Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thực
sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về phần Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ Dương của
Niu Đêli đòi hỏi nước này phải can dự vào các sự vụ ở Biển Đông. Tuy xuất
phát điểm của chiến lược Ấn Độ Dương nằm ở việc xây dựng ưu thế của Ấn Độ
trên Ấn Độ Dương, song cùng với sự phát triển của chiến lược này và cùng với
sự lớn mạnh của Hải quân Ấn Độ, Niu Đêli ngày càng cảm thấy không thỏa mãn
với vị trí người đứng đầu Ấn Độ Dương.
Mấy năm gần đây, Ấn Độ không ngừng
tăng cường năng lực tác chiến viễn dương, xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân Viễn
Đông tại quần đảo Andaman cách Đông Nam Á vài trăm cây số, mục đích của nó là
quyết không chỉ tăng cường năng lực kiểm soát đối với Ấn Độ Dương, mà là mở
rộng tầm ảnh hưởng tới khu vực Biển Đông rộng lớn.
Bên cạnh đó, Ấn Độ có ý đồ thông qua can
thiệp vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Giới chiến lược Ấn Độ cho
rằng Trung Quốc về lâu dài sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ấn Độ, nhất
là khi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không ngừng được đẩy
nhanh và chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn. Do Trung Quốc và Ấn Độ có
sự trùng hợp lợi ích về mặt chiến lược địa chính trị nên quan hệ Trung-Ấn
trong tương lai sẽ chịu càng nhiều đối kháng địa chính trị.
Trong bối cảnh
này, Ấn Độ có ý đồ biến vấn đề Biển Đông thành một điểm trong chính sách kiềm
chế Trung Quốc. Với sự can dự vào vấn đề Biển Đông, Ấn Độ không chỉ có điều
kiện khai thác tài nguyên dầu khí ở vùng biển này và gia tăng quan hệ kinh
tế, quốc phòng với các nước ASEAN, mà quan trọng hơn, với sự tăng cường hiện
diện quân sự tại Biển Đông, Ấn Độ có thể ngăn chặn việc Trung Quốc tiến vào
Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, có học giả Ấn Độ cũng chỉ ra rằng cần lợi dụng vấn đề
Biển Đông để làm con bài chiến lược trong đàm phán biên giới trên bộ
Trung-Ấn.
Theo mạng “Bình luận
Trung Quốc” (Hồng Công)
|
Thursday, November 1, 2012
Thế giới đánh hội đồng đập đầu Tàu Cộng theo thế liên hoàn:
Labels:
Trung Quốc
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
Cám ơ n b á c Linh v á t á c gi ả , c ô ng tr ì nh v à c ố g ắ ng tuy ệ t v ờ i đ ể l ư u tr ử h í nh ả nh c á c di tích chi...
-
HUẾ 1968 - TẾT MẬU THÂN Thưa qu’I vị Những ngày của năm cùng tháng tận nơi quê người, lại nhớ đến những mùa Xuân khói lửa Chinh c...
-
Nh ữ ng b ứ c v ẽ z ướ i ni d ượ c ho ạ b ằ ng m à u fa n ướ c (water color pain...
-
Hình Đẹp và Lạ... TTKh. From: nguoiphuongna Subject: HÌNH ÐẸP và LẠ ! Thân chuyển ...
-
Hội họa trên dường phố thường gây thích thú & kinh ngạc cho khách đi đường Art on the Street Julian Beever is an ...
-
Những tấm hình đẹp càng nhìn càng ưa chuộng ! TTKh. From: Tung Pham Subject: Những tấm hình càng ngắm càng thích ! ...
-
Những dịa diễm dược khách zu lịch chiếu kố nhiều nhất trên thế zới World’s Most Visited Tourist Attractions Whe...
-
Những cái đồng hồ dắt nhất thế giới Most Expensive Watches in the World Who said that watches only show...
-
Sau 3 chuyến leo núi kéo zài 11 ngày dầy thữ thách lớn lao, 3 tay leo núi Mỹ trẽ dã thành công chinh phục dược ngọn núi tuyết gọi là...
My Blog List
-
-
-
-
-
-
-
-
-
https://www.facebook.com/reel/802490438523735 - https://www.facebook.com/reel/8024904385237355 months ago
-
-
-
BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP - https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa rpedn...1 year ago
-
-
-
-
Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái - From: *VUONG DANG* < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Sleepingon Your Left ...3 years ago
-
5 Kỷ Lục Thế Giới Dành Cho Ẩm Thực Việt Nam - WATCH LIVE NOW : NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA HOÀI AN [14 Ca Khúc] (Super HD Videos) https://www.youtube.com/playlist?list=PLNBxCTIUVE70m607mVC5vUdM...4 years ago
-
-
No comments:
Post a Comment
Thanks your Comment